Thứ 2, 29-04-2024, 1:53 AM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Tin thế giới » Cục diện mới ở Trung Đông
Cục diện mới ở Trung Đông
cucquyDate: Thứ 5, 06-12-2012, 10:41 AM | Message # 1
Thành viên trung niên
Nhóm: Thành viên
Số bài viết: 4900
Điểm: 0
Trạng thái: Không lên mạng
Cục diện mới ở Trung Đông

SGTT.VN - Khi những hành động gây hấn đe doạ Gaza diễn ra vào tháng rồi, có vẻ như câu chuyện cũ lặp lại. Thế giới lại chứng kiến xung đột đẫm máu và vô nghĩa giữa Israel và Hamas, trong đó những nạn nhân chính là thường dân vô tội bị thương vong bởi cả hai phía.

Một người đàn ông mặc chiếc áo T-shirt với ảnh của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi củng lá cờ nước cắm trên mũ và dòng chữ “Ai trong chúng tôi cũng yêu Ai Cập” trước trụ sở tối cao pháp đình Cairo hôm 2.12. Ảnh: AP

Tuy nhiên, lần này, mọi thứ không phải như vẻ ngoài, bởi vì Trung Đông đã trải qua một thay đổi đáng kể trong hai năm qua. Tâm chấn chính trị của khu vực rối ren này đã chuyển từ xung đột giữa Israel và Palestine sang vịnh Ba Tư và cuộc chiến giành quyền bá chủ khu vực giữa một bên là Iran và bên kia là Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, và giờ đây là Ai Cập. Trong cuộc chiến mới giữa các lực lượng Shia và Sunni trong khu vực, xung đột cũ ở Trung Đông đã trở thành thứ yếu.

Hiện nay, thế đối đầu chính trong cuộc chiến quyền lực này là nội chiến Syria, trong đó tất cả các tay chơi chính trong khu vực đều tham gia hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, bởi vì đó là nơi mà cuộc chiến giành quyền lãnh đạo khu vực sẽ được quyết định phần lớn. Điều khá rõ ràng là Tổng thống Bashar al-Assad của Syria và nền tảng quyền lực Alawite/Shia của ông sẽ không thể duy trì sự kiểm soát đối với đa số người Sunni trong nước và trong khu vực. Câu hỏi duy nhất là khi nào chế độ Assad sụp đổ.

Một khi chế độ này sụp đổ, sẽ là một thất bại lớn cho Iran, vì họ không chỉ mất đồng minh Arập chính, mà còn ảnh hưởng xấu đến vị thế của “khách hàng” Hezbollah ở Lebanon. Đồng thời, một biến thể của Anh em Hồi giáo sẽ nắm quyền lực ở Syria, như trước giờ hay hầu như ở mọi nơi ở Trung Đông từ sau “Sự thức tỉnh Arập”.

Từ góc độ Israel, sự trỗi dậy nắm quyền của Hồi giáo Sunni khắp khu vực trong hai năm qua sẽ dẫn đến một kết quả nước đôi. Cho dù việc Iran suy yếu và giảm giá trị có lợi cho chiến lược của Israel, Israel sẽ phải tính đến khả năng Hồi giáo Sunni giúp Hamas tăng sức mạnh.

Sự trỗi dậy của Anh em Hồi giáo và các chi nhánh của họ không có lợi cho chủ nghĩa dân tộc Arập và chế độ độc tài quân sự ủng hộ chủ nghĩa này. Sự trỗi dậy của Anh em Hồi giáo cũng quyết định cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Palestine. Với cuộc chiến gần đây ở Gaza, phong trào dân tộc Palestine sẽ tự sắp xếp phù hợp diễn biến trong khu vực dưới sự lãnh đạo của Hamas.

Diễn biến này rất có thể có nghĩa là chấm dứt triển vọng cho một giải pháp hai quốc gia, bởi vì cả Israel và Hamas và Anh em Hồi giáo đều không quan tâm giải pháp này. Hamas và Anh em Hồi giáo bác bỏ thoả thuận về lãnh thổ, bởi vì đối với họ, một nước Palestine có nghĩa là một Palestine kết hợp toàn bộ Israel. Điều này không hề là một vị thế chiến thuật hay thể hiện một sự thơ ngây chính trị. Ngược lại, vấn đề lãnh thổ đã biến thành một vấn đề tôn giáo, và như vậy về cơ bản đã tái lập xung đột.

Hamas đang chơi một trò chơi lâu dài. Chừng nào Hamas còn thiếu khả năng đạt được những mục tiêu nhiều tham vọng hơn, thái độ không khoan nhượng của Hamas không hề báo trước khả năng thương lượng với Israel, hay thậm chí là các hiệp ước hoà bình nếu như những thoả thuận như thế thúc đẩy những mục tiêu dài hạn. Nhưng những thỏa thuận như thế sẽ chỉ đem lại những khoảng thời gian ngừng bắn ngắn hay dài mà không phải là một nỗ lực dàn xếp toàn diện để chấm dứt xung đột.

Thành công gần đây của Abbas tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc – bảo đảm vị thế nhà nước quan sát viên cho Palestine – sẽ không thay đổi những khía cạnh cơ bản của xu hướng này. Tiến bộ của Palestine là một thất bại ngoại giao đáng báo động cho Israel và thể hiện vị thế quốc tế ngày càng cô lập của Israel, nhưng không hàm ý một sự trở lại giải pháp hai quốc gia.

Điều ngược đời là vị thế Hamas phù hợp quyền lợi chính trị ở Israel, bởi vì tổ chức này cũng ít chú trọng giải pháp hai quốc gia. Và cả người Israel và đảng Fatah đều không đủ mạnh để duy trì giải pháp hai quốc gia. Đối với Israel, một tương lai với một nhà nước hai quốc gia tiềm ẩn rủi ro lớn về lâu dài, trừ phi người ta tìm lại giải pháp một liên minh Bờ Tây – Jordan.

Thật vậy, một khi chế độ Assad sụp đổ, Jordan có thể là điểm nóng cho khủng hoảng kế tiếp, khơi dậy tranh cãi về Jordan như là nhà nước Palestine “thực sự”. Chính sách định cư của Israel ở Bờ Tây khi đó sẽ có một cơ sở khác và mang ý nghĩa chính trị mới. Một liên minh Bờ Tây – Jordan có thể là dấu chấm hết cho giải pháp hai quốc gia.

Cùng với Syria, hai vấn đề sẽ quyết định tương lai của Trung Đông mới: đường lối của Ai Cập dưới thời Anh em Hồi giáo, và kết quả cuộc đối đầu với Iran về chương trình hạt nhân và vai trò của Iran trong khu vực.

Vấn đề Ai Cập cũng được chú ý, khi người dân ở đây đổ ra đường sau cú đảo chính không bạo lực của Tổng thống Mohamed Morsi. Một ngày sau khi được quốc tế thừa nhận thành công trong nỗ lực làm trung gian hoà giải ngừng bắn ở Gaza, ông Morsi tổ chức một cuộc tấn công vào nền dân chủ mới ra đời ở Ai Cập. Liệu Anh em Hồi giáo có thắng thế, cả trên đường phố và bằng hiến pháp mới của Ai Cập (mà họ viết phần lớn). Nếu họ chiếm ưu thế, liệu phương Tây có thu hồi sự ủng hộ đối với nền dân chủ Ai Cập nhân danh “sự ổn định”?

Câu hỏi phải làm gì đối với chương trình hạt nhân của Iran cũng sẽ trở lại với một mức độ nhiều hơn mong đợi vào tháng 1, sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ Barack Obama và tổng tuyển cử của Israel, và nó đòi hỏi một câu trả lời trong vòng vài tháng.

Một Trung Đông mới không hứa hẹn điềm tốt cho năm tới. Nhưng có một điều không thay đổi: đó vẫn là Trung Đông, nơi mà gần như không thể biết được điều gì sắp xảy ra.

Võ Phương (Project Syndicate)


Ngày 06-12-2012
Thành viên đăng

cucquy
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Tin thế giới » Cục diện mới ở Trung Đông
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: