Thứ 7, 18-05-2024, 7:45 PM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Chuyện của những bác sỹ đối mặt với tử thần
Chuyện của những bác sỹ đối mặt với tử thần
cucquyDate: Thứ 7, 01-12-2012, 9:21 PM | Message # 1
Thành viên trung niên
Nhóm: Thành viên
Số bài viết: 4900
Điểm: 0
Trạng thái: Không lên mạng

Chuyện của những bác sỹ đối mặt với tử thần

Thứ bảy 01/12/2012 08:44

Không quản ngại việc lây, truyền nhiễm, tâm lý thất thường và thậm chí sự la mắng từ những bệnh nhân HIV/AIDS, các y bác sỹ Bệnh viện 09 ngày đêm gắn cuộc sống và công việc với những bệnh nhân mang án tử.

Không để bệnh nhân “nổi giận”

Trên giường bệnh, người đàn ông khoảng 40 tuổi gầy đét, da bọc xương, nước da tái mét, ngồi quay lưng mặt vào bức tường để lộ tấm lưng trần xanh lét, trên lưng vài chiếc mụn nhọt cái đỏ au, thâm đen. Người bác sỹ vừa khám vừa hỏi thăm về sức khỏe của bệnh nhân “hôm nay anh ăn được mấy bát, ngủ có ngon không?”, “bình thường” – là câu trả lời của bệnh nhân tại buồng bệnh số 2. Đó là Bác sỹ Nguyễn Văn Lưu, Bệnh viện 09 – Bệnh viện Chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS Hà Nội, tại xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.


Bác sỹ Nguyễn Văn Lưu, Trưởng khoa Nội đang khám bệnh cho bệnh nhân.
Ảnh Xuân Hải.

Trong phòng bệnh số 2, những cơ thể gầy gò, nước da tái xanh, nằm co quắp trên giường. Thi thoảng những bệnh nhân này lại dùng ngón tay gầy nhẵng, dài lêu nghêu gãi sột soạt lên những vết mụn thâm tái trên người, một vài người bệnh trên mặt để lộ những vết mụn đóng vảy thâm đen. Ngoài hành lang bệnh viện một số bệnh nhân có thân hình gầy guộc đang ngồi “chém gió”, trên môi phì phèo điếu thuốc lá. Mỗi khi bác sỹ đi qua thì người chào không phải là người bệnh mà là bác sỹ, tuy nhiên thay cho nhưng lời chào đối lại chỉ là cái gật đầu uể oải.

“100% bệnh nhân đang điều trị tại đây bị HIV/AIDS trong giai đoạn suy giảm miễn dịch nặng đang được các cán bộ y bác sỹ nơi đây từng ngày từng giờ giành giật lại sự sống trước lưỡi hái của tử thần. Họ là những con người từng một thời lầm lạc, bất hạnh mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS, phải chịu đựng nỗi đau cào xé của sự kỳ thị và thậm chí có người còn bị sự chối bỏ của gia đình, họ chỉ còn chúng tôi là chỗ dựa”, bác sỹ Lưu cho hay.

Cũng theo bác sỹ Lưu, các bệnh nhân đang điều trị tại đang chủ yếu có tiền sử sử dụng ma túy và bị lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy, được các trung tâm giáo dục trên địa bàn Hà Nội chuyển đến. Bệnh nhân đến đây đa số đều thuộc dạng suy giảm miễn dịch nặng có thể chết bất cứ lúc nào nếu không tuân thủ quy trình điều trị của bệnh viện. Bệnh nhân điều trị tại đây được miễn phí hoàn toàn, từ tiền ăn, ở và chữa bệnh.

Chia sẻ về những nguy hiểm trong quá trình khám chữa bệnh cho các bệnh nhân “tử thần”, Bác sỹ Vũ Đức Phê, nguyên Trưởng khoa ngoại, Bệnh viện 09 cho biết: Không ít y bác sỹ của bệnh viện trong quá trình điều trị cho bệnh nhân bị bệnh nhân cầm xi lanh dọa đâm thậm chí cầm dao dọa giết nếu không chăm sóc cẩn thận.

“Năm 2008, đúng ca tôi trực mặc dù 12 giờ đêm nhưng bệnh nhân Vũ Duy Thành cầm xi lanh dính đầy máu đến yêu cầu tôi phải mở cổng viện để cho hắn ra ngoài. Lúc đó tôi phải nhẹ nhàng khuyên bảo, phải mất 30 phút sau Thành mới đồng ý đi ngủ và không đòi mở cổng để ra ngoài nữa. “Đối với bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này chúng tôi luôn luôn phải nhẹ nhàng, động viên để họ không tuyệt vọng, kéo dài sự sống. Chỉ phút lơi là không cẩn thận trong quá trình điều trị bệnh nhân chúng tôi sẽ bị lây nhiễm HIV bất cứ lúc nào”, Bác sỹ Phê nói.

Phải an táng cho cả bệnh nhân bị người thân từ bỏ

Cũng theo Bác sỹ Phê, với 80 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện thì tỷ lệ người bệnh bị gia đình bỏ rơi chiếm đến 80%, thậm chí có bệnh nhân sắp chết, bệnh viện báo cho người nhà nhưng người nhà cũng không đến và bệnh viện lại phải lo an táng cho bệnh nhân. Đến ngay cả người nhà còn có sự kỳ thị, bỏ mặc người thân của mình cho xã hội thì các bệnh nhân này sẽ không còn ai chăm sóc ngoài các y bác sỹ tại đây, nhiều khi có quần áo cũ chúng tôi cũng mang đến cho bệnh nhân mỗi khi mùa đông rét buốt.

Nói về tệ nạn phong bì hiện nay tại các bệnh viện, bác sỹ Phê nhấn mạnh: “Các bạn hãy gọi chúng tôi là các bác ý không phong bì hay bệnh viện không phong bì đều đúng”.

Từ ngày thành lập bệnh viện đến nay hơn 7 năm, đã có 2 y bác sĩ, nhân viên bị phơi nhiễm HIV nhưng được xử lý kịp thời, 1 bác sỹ và 4 điều dưỡng bị nhiễm bệnh lao từ bệnh nhân. Trong số họ có người vẫn còn tiếp tục ở lại cống hiến. Hiện Bệnh viện 09 đang có 150 cán bộ y bác sỹ và đang điều trị cho 80 bệnh nhân nội trú và 150 bệnh nhân ngoại trú bị HIV/AIDS. Hàng ngày họ phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm và vi trùng lao kháng thuốc, những người thầy thuốc vẫn luôn luôn túc trực bên cạnh bệnh nhân 24/24h, tâm sự với các bệnh nhân để động viên họ vượt qua rào cản tâm lý về sự mặc cảm.

Còn Bác sỹ Lưu, Trưởng khoa Nội tâm sự: “Có những lúc bị bệnh nhân la hét, chửi bới, chúng tôi vẫn phải chịu đựng và tìm cách vỗ về, an ủi. Dù biết bệnh nhân HIV/AIDS bị lao kháng thuốc nhưng bản thân mình và các y bác sĩ, điều dưỡng khi tâm sự, tư vấn cho bệnh nhân tuyệt đối không được dùng khẩu trang. Vì đeo khẩu trang sẽ khó thành công trong việc tư vấn cho bệnh nhân”.

Không chỉ có bệnh nhân bị kỳ thị mà những người thầy thuốc chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cũng bị kỳ thị. Sự kỳ thị đó đến từ một số người thân, bạn bè và thậm chí từ đồng nghiệp, những người trong cùng ngành y. Đã có lần trong số họ phải nghe những lời nói và nhận những ánh mắt thiếu thiện cảm, xa lánh và rồi những người thầy thuốc này tự chia sẽ với nhau động viên nhau.

Bác sĩ Vũ Đức Phê thừa nhận, hiện nay xã hội vẫn có sự kỳ thị từ gia đình, bạn bè nhân viên y tế đối với các y bác sĩ, điều dưỡng làm việc với bệnh nhân HIV/AIDS này.

“Tại sao chúng tôi làm đây mà không bị lây nhiễm? Chúng tôi vẫn ngồi ăn chung với bệnh nhân, chăm sóc, cắt móng tay, tắm rửa cho bệnh nhân nặng, đó là do biết cách phòng tránh. Chúng tôi công tác ở đây không để đánh đổi bất cứ điều gì, làm ở bệnh viện nhân ái với cả một tấm lòng thương yêu bệnh nhân và cũng chính từ sự kỳ thị nên việc thu hút nguồn nhân lực về bệnh viện hiện rất khó khăn”, bác sỹ Phê chia sẻ.

Xuân Hải


Ngày 01-12-2012
Thành viên đăng

cucquy
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Chuyện của những bác sỹ đối mặt với tử thần
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: