Thứ 7, 27-04-2024, 8:40 PM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » An ninh hình sự » Lật mặt 'thủ đoạn' làm sai lệch số liệu tài chính
Lật mặt 'thủ đoạn' làm sai lệch số liệu tài chính
cucquyDate: Chủ nhật, 02-12-2012, 10:51 AM | Message # 1
Thành viên trung niên
Nhóm: Thành viên
Số bài viết: 4900
Điểm: 0
Trạng thái: Không lên mạng
(Petrotimes) - Báo cáo tài chính (BCTC) là tài liệu quan trọng ghi nhận tình hình hoạt động của mỗi doanh nghiệp (DN). Đó cũng là cơ sở để các nhà đầu tư (NĐT) đánh giá về giá trị cổ phiếu trên thị trường. Tuy nhiên, BCTC sơ bộ nhiều DN có kết quả khác biệt khá lớn sau khi có kết quả kiểm toán chính thức...



Điều chỉnh lãi/lỗ tùy theo yêu cầu

Nếu như vài năm về trước, tình hình kinh tế còn thuận lợi, các DN hầu như dễ dàng đạt được mức lợi nhuận cao so với kế hoạch. Để giảm gánh nặng trong các năm sau, ban lãnh đạo (BLĐ) các DN này thường tìm cách giấu lợi nhuận của mình, không hạch toán hết lợi nhuận trong năm tài chính mà có thể hạch toán từ từ hoặc chuyển sang năm sau.


Căn nguyên của sự việc này bắt nguồn từ việc đối phó với áp lực thực hiện kế hoạch năm sau hay nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN hoặc nhằm trục lợi từ các chính sách ưu đãi khác của nhà nước dành cho các DN.

Tuy nhiên, với tình hình kinh tế suy thoái hiện tại, khó khăn đang chồng chất lên các DN. Bài toán đau đầu với các DN lúc này là làm sao hoàn thành được chỉ tiêu hoạt động đã đề ra.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán (TTCK) cho thấy, những cổ phiếu được định giá cao, phản ánh kỳ vọng lớn của NĐT đối với khả năng sinh lợi của DN, từ đó gây sức ép lên BLĐ phải tạo ra mức lợi nhuận đáp ứng kỳ vọng nếu như không muốn nhận những phản ứng tiêu cực. Ngoài ra, BLĐ cũng có thể là những người nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn, họ cũng không muốn giá trị cổ phiếu của mình bị suy giảm, vì vậy, khi kết quả hoạt động không đạt kỳ vọng thì tìm cách điều chỉnh số liệu BCTC là lựa chọn của nhiều nhà quản lý.

Thông thường, số liệu BCTC sơ bộ được “xử lý” làm tăng doanh thu, lợi nhuận bằng cách cố tình ghi nhận doanh thu hay chi phí không đúng với kỳ mà nó phát sinh, giảm mức khấu hao, giảm mức dự phòng, giảm giá hàng tồn kho, giảm dự phòng nợ khó đòi ở kỳ hiện tại, không ghi nhận chi phí khi tài sản/cổ phiếu đầu tư bị giảm giá xuống dưới giá trị thuần,…
Tất nhiên, cách “xử lý” này không làm tăng lợi nhuận mà đơn thuần kết chuyển lợi nhuận ở các kỳ sau lên kỳ hiện tại hoặc chuyển chi phí ra các kỳ sau. Các kỳ sau đó, BCTC lại tiếp tục được “xử lý” theo cách tương tự. Càng về sau, mức sai lệch số liệu giữa thực tế và BCTC càng lớn, đến thời điểm khi có báo cáo kiểm toán chính thức, lợi nhuận và chi phí thực buộc đưa vào báo cáo kiểm toán. Kết quả này sụt giảm rất nhiều so với các báo cáo sơ bộ trước đó.

Một cách thức khác cũng thường được áp dụng để chạy các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đó là tạo ra các “giao dịch ảo”, ngắn hạn và ít có tác dụng lâu dài cho DN. Kỹ thuật thường sử dụng là tạo ra các giao dịch thông qua lập chứng từ bán hàng nhưng hàng hóa không được giao và đầu niên độ sau sẽ lập bút toán hàng bán bị trả lại…Tất cả những điều này sẽ khiến NĐT hiểu và kỳ vọng sai về kết quả hoạt động của DN.

Cái giá phải trả

Trên TTCK, không ít các cổ phiếu có hiện tượng “lệch” số liệu trước và sau kiểm toán. Điều đáng nói là lợi nhuận/cổ phần của DN là một trong nhưng tiêu chí quan trọng để định giá DN đó. Do vậy, các NĐT khi xem BCTC bị điều chỉnh sẽ không đánh giá đúng giá trị của DN và đưa ra các quyết định mua, bán cổ phiếu không hợp lý.

Trường hợp điển hình có thể kể đến là cổ phiếu Vinaconex (VCG). BCTC hợp nhất Quý III năm 2012 của DN này từ lãi chuyển sang lỗ khá nặng. Theo báo cáo, VCG lỗ lên đến 105,57 tỉ đồng, trong đó mức lỗ của công ty mẹ chiếm 85 tỉ đồng. Trong khi theo BCTC riêng lẻ công bố trước đó, VCG lãi ròng 49,34 tỉ đồng. Cần lưu ý rằng, đây không phải lần đầu tiên VCG bị vênh số liệu trước và sau kiểm toán. VCG đã từng gây ra cú sốc lớn cho NĐT vào năm 2009 và mới gần đây là năm 2011 đã ghi nhận lợi nhuận ròng sau kiểm toán giảm 10 lần từ 447 tỉ xuống 40,2 tỉ đồng. Liên tiếp tạo ra chênh lệch tăng/giảm lớn sau soát xét, liệu đây có phải là ý đồ có truyền thống của BLĐ DN này?!

Một trường hợp khác khá nóng thời gian gần đây là cổ phiếu Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Theo BCTC có kiểm toán, lợi nhuận 2011 âm 788 tỉ đồng. Mức lỗ này tăng thêm 178,8 tỉ đồng so với BCTC trước kiểm toán, đẩy tổng chi phí hoạt động lên 1.654,6 tỉ đồng là nguyên nhân chính đưa lỗ của SBS tăng thêm. Với khoản lỗ rất lớn kể trên, SBS hiện tại đã “cháy” vốn chủ sở hữu và đang là DN đứng đầu về mức lỗ trên TTCK Việt Nam. Rõ ràng chỉ trong một thời gian ngắn kết quả kinh doanh của SBS đã đảo chiều nhanh chóng. Nhiều khả năng, BCTC DN này liên tiếp bị thổi phồng qua nhiều năm và chỉ đến khi gặp khủng hoảng, việc gian lận này mới bị phát giác.

Đối với SBS, không dừng lại ở tài liệu tố cáo BLĐ tiền nhiệm của SBS đã không nghiêm túc trong quá trình điều hành, giấu lỗ trong thời gian dài, bản thân giá cổ phiếu SBS đã giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp (hiện chỉ hơn 1.000đ/cp) và SBS đang bị kiểm soát đặc biệt, hạn "thử thách" kéo dài đến 28-2-2013, nguy cơ hủy niêm yết đang hiện hữu.

Như vậy, ngoài những thiệt hại khi giảm giá cổ phiếu đối với các NĐT, cái giá mà những DN có cách làm không minh bạch này phải trả rất lớn khi đánh mất hình ảnh của mình trước cổ đông, các NĐT và xa hơn là đối diện với vi phạm pháp luật.

Quy định hiện tại yêu cầu các DN niêm yết công bố số liệu sơ bộ BCTC định kỳ, trong khi kết quả kiểm toán chính thức của báo cáo chỉ được phát hành sau đó một thời gian. Kẽ hở này cho phép BLĐ hay người liên quan các DN này có thể lợi dụng BCTC sơ bộ để làm giá cổ phiếu. Vì vậy, cách phòng vệ hiệu quả nhất của các NĐT là cẩn trọng trước những DN có truyền thống gian lận BCTC và cố gắng phân tích, lựa chọn cổ phiếu minh bạch thông tin kiểm toán.

Thành Trung


Ngày 02-12-2012
Thành viên đăng

cucquy
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » An ninh hình sự » Lật mặt 'thủ đoạn' làm sai lệch số liệu tài chính
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: