Thứ 5, 25-04-2024, 10:30 AM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Kinh doanh » Sao không khuyến khích mà lại bắt buộc?
Sao không khuyến khích mà lại bắt buộc?
cucquyDate: Thứ 7, 08-12-2012, 9:14 AM | Message # 1
Thành viên trung niên
Nhóm: Thành viên
Số bài viết: 4900
Điểm: 0
Trạng thái: Không lên mạng
Sao không khuyến khích mà lại bắt buộc?

SGTT.VN - Từ ngày 1.12.2014, xăng E5 sẽ là nhiên liệu duy nhất bắt buộc các phương tiện cơ giới sử dụng ở bảy tỉnh, thành phố trong cả nước gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đó là một trong những yêu cầu bắt buộc tại quyết định “ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống” mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký vào ngày 22.11 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của bộ Công thương.

Xăng E5 có giá rẻ hơn nhưng vẫn ít người quan tâm. Ảnh: Thanh Hảo

Cũng theo lộ trình trên, 1.12.2015 trở đi, E5 là xăng duy nhất phục vụ cho tất cả các loại phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc. Sau đó, từ 1.12.2016 là xăng E10. Với lộ trình bắt buộc thực hiện như trên, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà khoa học cũng như người dân nhận định, lại thêm một quyết định mang tính ép buộc, bởi liên quan đến câu chuyện xăng E5, E10 còn rất nhiều vấn đề phải khắc phục để đảm bảo tính công bằng cho người tiêu dùng.

Sản xuất bốn ngày bán cả năm không hết!

Xăng E5 (hay còn gọi là xăng pha ethanol) được người tiêu dùng ở TP.HCM và các tỉnh thành khác biết đến vào thời điểm cuối năm 2010, khi ba đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu là tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec và Saigon Petro đồng loạt mở 156 điểm bán trên cả nước (gắn thêm trụ bơm và bồn chứa xăng E5 tại các cây xăng hiện nay). Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần hai năm, số điểm bán xăng E5 không những không tăng lên mà còn đang có dấu hiệu giảm xuống vì sự thờ ơ của người tiêu dùng.

Cửa hàng Xăng dầu số 5, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, là một trong những cây xăng bán lẻ đầu tiên của TP.HCM bán xăng E5 (do PV Oil cung cấp) từ ngày 1.8.2010. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, dù vào những giờ cao điểm sáng chiều, số người mua chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay, trong khi đó xăng truyền thống thì bơm không ngơi tay. Tương tự, ra đời từ 25.11.2011 nhưng đến nay gần như trụ bơm xăng E5 ở cây xăng dầu số 17 (thuộc Comeco, đường Bạch Đằng, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng chỉ để “làm dáng”.

Xăng E5 là hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 4 – 5% theo thể tích. Xăng E10 là hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 9 – 10% theo thể tích.

Lý giải thực tế này, chủ một cây xăng cho rằng, có thể nhiều người còn nhầm lẫn giữa ethanol – cồn sinh học với methanol (một loại dung môi tẩy rửa mạnh, pha chế trong sơn, không được phép pha vào xăng dầu) sau khi có hàng loạt vụ cháy nổ xe. Các thợ sửa xe có kinh nghiệm thì cho rằng nếu sử dụng nhiên liệu xăng có hàm lượng ethanol cao có thể gây ảnh hưởng đến một số chi tiết kim loại, cao su, nhựa của động cơ… nên người dân ngại sử dụng.

Theo thống kê của bộ Công thương, trong chín tháng đầu năm 2012, lượng tiêu thụ xăng E5 chỉ đạt 15.000m3, tương ứng 750m3 ethanol, chỉ bằng công suất sản xuất trong 2,5 ngày của nhà máy ethanol. “Cả nước hiện có ba nhà máy ethanol nguyên liệu với 300.000m3 ethanol, đủ để pha chế được 6.000.000m3 xăng E5 mỗi năm. Sản lượng này tương đương 94% nhu cầu tiêu thụ xăng tại Việt Nam vào năm 2014. Đó là chưa kể mười dự án và nhà máy ethanol khác do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, với tổng công suất trên 400.000m3/năm. Hiện tại để đảm bảo cho các nhà máy ethanol hoạt động ổn định trong khi lượng tiêu thụ ethanol trong nước còn hạn chế, tránh tồn kho quá lớn, các nhà máy đã xuất khẩu ethanol nhiên liệu để pha xăng sinh học sang Philippines, Hàn Quốc và Trung Quốc…”, theo số liệu của bộ Công thương.

Nguyên liệu dồi dào nhưng giá cao ngất

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, đúng ra khi thấy tình hình kinh doanh xăng E5 ế ẩm như hiện tại, Chính phủ cần tìm ra nguyên nhân khắc phục, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng, thay vì ra “mệnh lệnh hành chính” để bắt buộc người tiêu dùng như trên xem ra là không ổn.

“Tại sao Chính phủ không tìm cách trợ giá xăng E5 để kích cầu người tiêu dùng, tăng chiết khấu hoa hồng cao hơn xăng thông thường cho các cây xăng lẻ. Ngoài ra, chính sách thuế cần ưu đãi đặc biệt cho xăng E5 như: giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn thuế môi trường, giảm thuế nhập khẩu thiết bị vật tư cho các dự án pha chế, áp thuế VAT và thuế xuất khẩu 0% cho nhiên liệu ethanol 100% của các nhà máy sản xuất trong năm năm. Rồi hãy đưa ra mệnh lệnh trên”, ông Nguyên kiến nghị.

Phải khảo sát, đánh giá khi sử dụng

Đó là khuyến cáo của tiến sĩ Huỳnh Quyền, giám đốc trung tâm Công nghệ lọc hoá dầu đại học Bách khoa TP.HCM. Theo tiến sĩ Quyền, riêng với E10, chúng ta phải có khảo sát, đánh giá khi dùng, để tránh ảnh hưởng đến phương tiện giao thông, bởi hiện Việt Nam đang tồn tại rất nhiều phương tiện giao thông cũ.

Cùng quan điểm, ông Đào Nhật Đình, chuyên gia kỹ thuật dự án “Tăng cường năng lực để loại bỏ hoá chất bảo vệ thực vật nhóm POP tại

Việt Nam” cho rằng mục tiêu đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng rộng rãi trong tương lai là đúng với xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, Chính phủ không nên áp đặt việc sử dụng nhiên liệu sinh học bằng một quyết định hành chính. Hãy để cho người mua và thị trường quyết định. Chính phủ có thể khuyến khích bằng cách này hay cách khác.

Hiện tại trong nước đã bắt đầu sản xuất được xăng sinh học nhưng giá xăng E5 chỉ thấp hơn xăng thường 100 đồng, hoàn toàn không có ý nghĩa về thương mại. “Nhìn sang Thái Lan ta thấy, ngày 3.12.2012 giá xăng có octane 91 ở Bangkok là 29.750 đồng/lít, xăng pha 10% cồn 24.058 đồng/lít, xăng pha 20% cồn 22.320 đồng/lít, xăng 85% cồn 14.742 đồng/lít. Tức là người mua được lợi rất nhiều nếu chọn xăng pha cồn. Nhưng ngay cả như vậy, người ta cũng không áp đặt chỉ có xăng pha cồn”, ông Đình nói.

Cũng theo ông Đình, về vấn đề kỹ thuật, Thái Lan có lộ trình dài đàm phán với các nhà sản xuất ôtô và xe máy để chuyển đổi sản xuất phụ tùng cao su từ chỗ không chịu được cồn 20% sang chịu 85% cồn như hiện nay. Còn ở Việt Nam, phụ tùng thay thế xe máy và cả ôtô toàn do các cơ sở gia công sản xuất không theo chuẩn nào cả, không rõ có chịu nổi xăng 5% không chứ chưa nói đến xăng 10 – 20%. Ngay cả xe mới cũng chưa rõ cam kết của nhà sản xuất sẽ chịu được cồn đến tỷ lệ nào.

Còn theo tiến sĩ Huỳnh Quyền, giám đốc trung tâm Công nghệ lọc hoá dầu (đại học Bách khoa TP.HCM), để người dân sử dụng xăng E5 hay E10 phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp bộ ngành thực hiện nhiệm vụ của mình để thúc đẩy lộ trình sử dụng: từ nguyên liệu đáp ứng đến vấn đề phân phối, các chính sách ưu đãi hợp lý… và cuối cùng là giá cả.

Không có lộ trình giảm giá xăng E5 cho phù hợp với giá cả so với các nước sử dụng loại xăng này trên thế giới mà vẫn quyết giữ giá cao (trong khi thực tế trên thế giới loại xăng này rẻ hơn loại xăng truyền thống từ vài ngàn trở lên) như hiện nay (chỉ rẻ hơn xăng truyền thống 100 đồng/lít), trong khi vùng nguyên liệu mình dồi dào (chúng ta vốn là nước nông nghiệp) thì rõ ràng người tiêu dùng đang bị chèn ép!

Đào Lê – Lê Quỳnh


Ngày 08-12-2012
Thành viên đăng

cucquy
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Kinh doanh » Sao không khuyến khích mà lại bắt buộc?
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: