Thứ 6, 17-05-2024, 11:16 AM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Kinh doanh » SeABank sẽ khó chối bỏ trách nhiệm với VVF
SeABank sẽ khó chối bỏ trách nhiệm với VVF
cucquyDate: Chủ nhật, 02-12-2012, 5:42 PM | Message # 1
Thành viên trung niên
Nhóm: Thành viên
Số bài viết: 4900
Điểm: 0
Trạng thái: Không lên mạng


SeABank sẽ khó chối bỏ trách nhiệm với VVF
Dù SeABank cho rằng trách nhiệm sự việc này hoàn toàn thuộc về cá nhân bà Nguyễn Thị Hương Giang, thì SeABank cũng không thể chối bỏ được trách nhiệm với VVF nếu xảy ra một cuộc đấu pháp lý.

Ảnh minh họa
Mấy ngày gần đây, dư luận nói chung và giới kinh doanh tài chính nói riêng đang rất quan tâm đến việc SeABank ra thông báo từ chối yêu cầu thanh toán số tiền 150 tỉ đồng bảo lãnh cho Cty tài chính CP Vinaconex - Viettel (VVF) mua trái phiếu của CTCP Tập đoàn Vina Megastar.

Việc ra thông cáo báo chí của SeABank về việc này khiến giới kinh doanh tài chính hết sức ngỡ ngàng, bởi đây là một việc tự làm tổn hại đến uy tín của SeABank trên thương trường.

Xét về mặt pháp lý, dù SeABank cho rằng việc bà Nguyễn Thị Hương Giang ký bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Vina Megastar là không đúng pháp luật, không đúng quy định của SeABank vì chứng thư bảo lãnh không có số và vượt quá hạn mức được ký của SeABank, trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về cá nhân bà Nguyễn Thị Hương Giang, thì SeABank cũng không thể chối bỏ được trách nhiệm với VVF nếu xảy ra một cuộc đấu pháp lý.

Tại sao vậy? Thứ nhất, bà Nguyễn Thị Hương Giang đã được bà Lê Thu Thủy là quyền TGĐ SeABank ủy quyền ký thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu của CTCP Tập đoàn Vina Megastar cho VVF theo SeABank hợp đồng số TC68/2011/VVF-MEGASTAR/BOND ký ngày 19.10.2011 trị giá 150 tỉ đồng, các điều khoản và điều kiện trái phiếu khác được quy định trong hợp đồng nêu trên. Như vậy, bà Nguyễn Thị Hương Giang đã thực hiện theo đúng nội dung giấy ủy quyền khi ký chứng thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu trị giá 150 tỉ đồng cho CTCP Tập đoàn Vina Megastar. Do đó, SeABank cho rằng việc ký bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Vina Megastar là sai phạm của cá nhân bà Nguyễn Thị Hương Giang là không có căn cứ pháp luật.

Hơn thế nữa, tại thời điểm ký chứng thư bảo lãnh, nội dung hình thức của thư bảo lãnh đều phù hợp với quy định tại điều 11, quyết định số 26/2006 ban hành quy chế bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước, bởi lẽ theo quy định tại khoản 2, Điều 48 Luật các TCTD ngày 16.6.2010 thì: TGĐ (giám đốc) là người điều hành cao nhất của TCTD, chịu trách nhiệm trước HĐQT, hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình”. Điều 49 Luật các TCTD cũng quy định TGĐ, người có chức vụ ngang với TGĐ có quyền, nghĩa vụ “... quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của TCTD...”.

Chính vì thế, bà Lê Thu Thủy với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, là quyền TGĐ SeABank thì hơn ai hết, bà Thủy phải hiểu và nắm rõ quy chế, điều lệ, quy định nội bộ của ngân hàng. Trước khi ký ủy quyền, bà Lê Thu Thủy phải biết rõ quyền hạn của mình được ký chứng thư bảo lãnh mức tối đa là bao nhiêu.

Do vậy, việc VVF mua trái phiếu của Megastar khi có giấy ủy quyền của TGĐ SeABank và chứng thư bảo lãnh thanh toán vô điều kiện là căn cứ pháp lý tin cậy để VVF yên tâm mua trái phiếu. Pháp luật cũng không quy định việc ký bảo lãnh thanh toán trái phiếu phải xuất trình phê duyệt của HĐQT; vì thế là khách hàng, nên VVF không thể biết được các quy định nội bộ của ngân hàng. VVF đầu tư trái phiếu là dựa vào uy tín và cam kết bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang của SeABank.

Pháp luật dân sự cũng quy định: “Người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự”. Cũng theo quy định của pháp luật thì khi người của pháp nhân gây thiệt hại thì pháp nhân vẫn phải chịu mọi trách nhiệm”. Pháp luật hiện hành cũng không có văn bản nào quy định các giao dịch dân sự nói chung hay văn bản chứng thư bảo lãnh nói riêng phải có số thì mới có giá trị. Đây là quản lý nội bộ riêng của mỗi DN.

Do vậy, ngay cả trong trường hợp vụ việc trên có dấu hiệu hình sự hoặc đại diện của pháp nhân thay đổi, nhưng quyền và nghĩa vụ mà pháp nhân xác lập trước đó không chấm dứt. Trong các giao dịch giữa pháp nhân với nhau, chỉ cần văn bản đó có đóng dấu xác nhận của pháp nhân, được ký bởi người có thẩm quyền của pháp nhân hoặc đại diện theo ủy quyền thì văn bản đó hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Như vậy có thể thấy, chứng thư bảo lãnh của SeABank cho VVF đã có đóng dấu xác nhận của ngân hàng, người ký thư bảo lãnh được sự ủy quyền của quyền TGĐ SeABank thì SeABank vẫn phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán với VVF. Trách nhiệm này sẽ khó chối bỏ nếu xảy ra một vụ kiện trước tòa.

Theo Chí Tùng
Lao động


Ngày 02-12-2012
Thành viên đăng

cucquy
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Kinh doanh » SeABank sẽ khó chối bỏ trách nhiệm với VVF
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: