Chủ nhật, 19-05-2024, 6:14 AM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Để dân không phải sống trong sợ hãi!
Để dân không phải sống trong sợ hãi!
cucquyDate: Thứ 6, 07-12-2012, 6:27 PM | Message # 1
Thành viên trung niên
Nhóm: Thành viên
Số bài viết: 4900
Điểm: 0
Trạng thái: Không lên mạng


LTS: 8 giờ tối 24.11, một cô gái đi đường bị cướp chém gần như đứt cánh tay để cướp xe, cướp tiền trên dốc cầu Phú Mỹ. Vài ngày sau, chỉ vì mấy trăm ngàn, cướp đã lạnh lùng xuống tay đập đầu, đạp nạn nhân rớt xuống kênh chết đuối... Những vụ cướp táo tợn trên đã làm cả thành phố gần như rúng động, cảm giác bất an bao phủ lên đời sống xã hội. Công lực ở đâu, làm gì để dân bớt sống trong sợ hãi... là những câu hỏi không chỉ bức bách ngoài đời mà còn là những câu hỏi đầy bức xúc giữa nghị trường kỳ họp thứ 7 HĐND TP.HCM khoá 8 đang diễn ra.

Để dân không phải sống trong sợ hãi!

SGTT.VN - Hàng loạt vụ cướp giật táo tợn vừa qua cho thấy rốt cuộc thì bất kể giờ giấc, đối tượng giàu hay nghèo, bất kỳ ai ra đường cũng có thể là nạn nhân của bất cứ băng nhóm hay cá nhân tàn bạo X, Y, Z... nào đó. Một nỗi sợ hãi bao trùm, từ giới văn phòng đến tiểu thương ngoài chợ, trên bàn nhậu hay trong bữa cơm gia đình, bên cạnh những nỗi sợ thường trực khác như tai nạn giao thông, sụp hố ga, điện giật, cây rơi trúng đầu…

Nạn nhân của vụ bị cướp chém gần như đứt cánh tay để cướp xe tối 24.11

Các cơ quan chức năng hoạt động như một cỗ máy được lập trình, đến xuân thu nhị kỳ thì báo cáo, thống kê tình hình tội phạm cùng những tổn thất, phần nhiều là hướng đến thành tích vì các con số năm sau thường thấp hơn năm trước. Có thước nào đo được nỗi bất an cùng những hệ luỵ tiêu cực của nó lên cả xã hội chứ không riêng gì các nạn nhân?

Bước lên taxi, dưới sàn xe là một thanh sắt, bác tài giải thích để đối phó với cướp. Chồng mới đó động viên vợ đổi chiếc xe máy đã quá cũ, giờ chuyển sang động viên cứ đi xe cũ để né “mắt xanh” của cướp. Buổi tối thời bình mà như thời chiến, ai yếu bóng vía đều tự thiết lập giờ giới nghiêm sớm cho mình. Nhịp sống trở nên nặng nề, cuộc sống trở nên u ám.

Tin rằng bản thân các báo cáo ấy cũng không phản ánh hết những gì đang diễn ra trong thực tế, trong đó có cả lý do chủ quan. Một người bạn bị giật đồ trên đường, đến công an phường gần nhất trình báo, công an chỉ sang phường khác vì cho rằng nạn nhân báo án sai địa chỉ theo phân cấp địa bàn quản lý.

Đằng sau lý do tưởng như đúng đắn ấy là tâm lý không muốn nơi mình chịu trách nhiệm không được trong sạch. Nguyên trưởng phòng cảnh sát giao thông một quận nội thành nói theo báo cáo ở đây thì số vụ tai nạn giao thông thời ông tại vị mươi năm trước còn nhiều hơn hiện nay, một thành tích mà ai cũng phải nghi ngờ. Theo ông, bí quyết nằm ở chỗ các chiến sĩ lợi dụng kẽ hở trong cách phân loại giữa va chạm và tai nạn giao thông (chỉ có tai nạn mới bị đưa vào báo cáo, mới bị đánh giá, phê bình). Tất nhiên, để làm được việc này, họ phải biết cách khai thác tâm lý không muốn làm to chuyện để sinh rắc rối của người đi đường, kể cả người không có lỗi. Ngay từ khâu nhận diện tình hình, chúng ta đã tự làm khó mình thì làm sao phân tích được nguyên nhân, đề ra giải pháp và thực thi chức trách!

Họp HĐND thành phố, bức xúc trước sự mất an ninh trật tự, đại biểu nói nhiều đến vai trò của việc quản lý địa bàn nhưng đang được thực hiện một cách lỏng lẻo, đến sự phối hợp liên phường, liên ngành không như ý, chợt nhớ những chuyện diễn ra hàng ngày trên đường phố. Những người bán dâm, băng đĩa bậy chọn địa bàn giáp ranh để hoạt động, có đoàn kiểm tra của phường này thì chạy sang bên kia đường thuộc phường kia đứng ngó lại. Những bất hợp lý trong việc chia cắt về mặt hành chính, ít nhất là trong lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự hay hạ tầng đô thị, đặt ra yêu cầu về một mô hình chính quyền đô thị quản lý thống nhất từ trên xuống, nhưng tới nay vẫn chưa thấy đâu. Nhưng, cho dù những vấn đề thuộc về tổ chức bộ máy ấy được giải quyết, thì câu hỏi lớn nhất vẫn là, như ông Trương Lâm Danh, phó ban Pháp chế, HĐND TP.HCM, nói: “Tôi sẽ hỏi công an hành động gì?” Chính trong những lúc này, người dân mới cần lực lượng công an và đó mới là chức năng, nhiệm vụ chính danh nhất của công an theo nghĩa uỷ quyền từ họ. Công an hãy làm gì để người dân không phải trông chờ hay tự tổ chức nhau thành hiệp sĩ bắt cướp, không chỉ vì những bất cập của mô hình này mà quan trọng hơn, như vậy thì còn gì là niềm tin vào sự bảo vệ của chính quyền? Cũng như hình ảnh dân thường tình nguyện tham gia điều phối, giải quyết ùn tắc giao thông, dù có bớt ùn tắc thật thì sao không phải là cảnh sát giao thông đứng ra thay vì họ? Một xã hội có trật tự là một xã hội ai làm việc nấy, dân có quyền và chỉ làm dân thôi.

“Ở Hàn Quốc, Singapore đâu có hô “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” (phòng chống tội phạm) đâu mà họ vẫn làm rất tốt. Vấn đề là lực lượng công an phải “sắc” mới giải quyết được. Công an phải quản lý các đối tượng ma tuý, đòi nợ thuê chứ không thể bắt cả xã hội phải ngó chừng. Phải khởi tố, bỏ tù ngay các đối tượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, tra tấn, đánh người... mình làm cái này chưa quyết liệt!”

Ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư Thành uỷ, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII, ngày 5.12.2012.

Để khi dân cần công an thì công an tỏ ra hiệu quả, hoạt động của ngành chính ra phải từ khâu phòng hay chống từ những vụ việc nhỏ nhất để răn đe sự bùng phát thành dịch. Thật không hay nếu cứ theo cách làm truyền thống, mỗi khi có vụ việc nổi cộm, tình hình trở nên nóng thì các cấp các ngành nói chung, ngành công an nói riêng tổ chức rầm rộ những đợt phát động, ra quân phòng – chống, thì ra chỉ thị, nghị quyết này nọ, kiểu làm theo phong trào.

Không thể phong trào trong những chuyện dài lâu trong đời sống người dân được mà phải thường xuyên, bền bỉ, kiên định. Nói cho ngay, cứ thử làm thống kê, trong các tháng vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, an toàn giao thông…, xem thành tích thực chất mà chúng ta thu được là gì?

Tội phạm có nguyên do từ sự lên xuống tăng giảm đạo đức lối sống lẫn kinh tế xã hội. Thật đáng tiếc, cho đến nay ta chưa quan tâm, chưa có nghiên cứu mang tính khoa học về tội phạm học, tâm lý tội phạm làm nền tảng cho cách ứng phó của cả hệ thống chứ không riêng gì ngành công an. Chúng ta chỉ mới lẻ mẻ những lý giải bề ngoài như phim ảnh, game online có ảnh hưởng đến nhóm tội phạm trẻ tuổi, trộm cắp cướp giật tập trung vào đối tượng nghiện ma tuý mà thiếu những tìm hiểu căn nguyên vì sao nó lại như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà khi tình hình kinh tế khó khăn, đời sống đi xuống, tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản tăng cao. Cũng vì thế, một khía cạnh tâm lý tội phạm khác đáng quan tâm là trong hai vụ cướp táo tợn mà báo Tuổi Trẻ nêu sau vụ chặt tay nạn nhân trên cầu Phú Mỹ, hung thủ đều vờ như nhân viên công vụ, tiếp cận nạn nhân từ việc hỏi giấy tờ của họ như “tấp xe vào lề kiểm tra giấy tờ”, “tụi bay có chứng minh nhân dân không”. Thủ đoạn này có liên quan gì đến thông tin cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục hoá trang để phòng chống vi phạm và có quyền yêu cầu dừng xe? Nếu tội phạm đã nắm bắt được diễn biến này, tương kế tựu kế nhân danh thì quả là khó cho lực lượng công an và cả người dân. Nghiệp vụ giả trang không mới đối với cảnh sát hình sự và như vậy là hợp lý để trấn áp tội phạm. Người dân vẫn nhớ một thời oanh liệt của lực lượng cảnh sát hình sự săn bắt cướp... Cái mới ở chỗ cảnh sát giao thông giờ cũng tăng cường nghiệp vụ trên nên sẽ khó kiểm soát tình hình, vàng thau lẫn lộn hơn. Công an vừa phải giả trang để bắt cướp, vừa phải chứng minh mình không phải là cướp giả trang. Làm sao để giúp dân phân biệt được?

Nguyên Lê


Ngày 07-12-2012
Thành viên đăng

cucquy
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Để dân không phải sống trong sợ hãi!
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: