Thứ 2, 29-04-2024, 4:16 AM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Thời gian biểu hay “phụ huynh biểu”?
Thời gian biểu hay “phụ huynh biểu”?
cucquyDate: Thứ 5, 06-12-2012, 12:34 PM | Message # 1
Thành viên trung niên
Nhóm: Thành viên
Số bài viết: 4900
Điểm: 0
Trạng thái: Không lên mạng
Thời gian biểu hay “phụ huynh biểu”?

SGTT.VN - Những ngày nghỉ hay các dịp lễ, lũ bạn học cũ chúng tôi thường tụ họp hàn huyên. Bao giờ cũng vậy, sau những kỷ niệm thời cắp sách thì chuyện học của con là chủ đề rôm rả nhất và chưa bao giờ bớt “nóng”.

Tuổi thơ thành vốn đầu tư

Cu Bi con bạn tôi năm nay học lớp 4. Nhìn thời gian biểu của Bi ai cũng đánh giá Bi có ý thức học tập cao vì giờ giấc sắp xếp rất tỉ mỉ, rõ ràng. Nhưng thời gian biểu nói trên do bố mẹ Bi sắp đặt, cứ đến giờ là vợ chồng bạn tôi lại nhắc nhở, thậm chí quát nạt để Bi thực hiện.

Thoáng điểm qua “phụ huynh biểu” của Bi, tôi thấy “sốt” bởi ngay người lớn cũng khó thực hiện huống chi trẻ con. Theo đó thì từ 6g30 – 16g30 thứ hai đến thứ sáu, Bi “đóng quân” ở trường. Từ 17g30 –19g30 các ngày hai, tư, sáu Bi học thêm ở nhà giáo viên; cũng giờ đó các ngày ba, năm, bảy là học thêm Anh văn. Ngày chủ nhật thì học các lớp năng khiếu ở nhà thiếu nhi hay câu lạc bộ gì đó, chưa kể các khoá học ngắn hạn như rèn chữ, cờ vua, vẽ… Tóm lại, trong tuần Bi không có một ngày nghỉ. Nhìn cu cậu luôn căng thẳng, mệt mỏi, tôi thấy ái ngại, nhưng khi đặt vấn đề cháu phải học quá sức ra trao đổi thì anh M. – bố cháu “phán” ngay: “Phải đầu tư cho cháu học để bằng bạn bằng bè!”

Bé Ti, con anh H. đầu xóm tôi cũng vậy: ngoài việc lên lớp học thì bố mẹ Ti còn sắp xếp cho cháu học các môn khác ở nhà giáo viên, trung tâm ngoại ngữ, võ thuật… Thấy Ti quần quật học tất cả các ngày trong tuần mà thương cho trẻ bây giờ.

Cu Bi, bé Ti là vài trong nhiều học sinh chịu sức ép học tập rất lớn từ chính cha mẹ mình. Chính áp lực học tập đó đã làm các cháu suy kiệt về thể chất, tiếp nhận hệ thống tri thức một cách thụ động. Dần dần, trẻ đánh mất tính chủ động trong học tập, tạo nên sức ỳ tâm lý rất lớn trong quá trình phát triển.

“Giáo dục toàn diện” hay đua đòi?

“Tất cả vì tương lai con em chúng ta” là tâm lý chung của hầu hết của các bậc cha mẹ. Nhiều phụ huynh chấp nhận nghỉ làm để dành thời gian chăm sóc, đưa đón con cái. Và cũng nhiều bậc cha mẹ phải làm thêm để kiếm tiền trang trải việc học của con. Tuy nhiên, đầu tư cho con cái hiệu quả đến đâu, sắp xếp có hợp lý và đầu tư đúng hướng hay không thì không phải phụ huynh nào cũng thấy được!

Chính từ cuộc đua thành tích, “nở mặt nở mày” khi con mình đạt loại giỏi mà những năm qua, tỷ lệ học sinh tiểu học đạt loại khá trở xuống rất thấp, còn hầu hết là giỏi! Thậm chí có phụ huynh còn phạt đòn con mỗi khi trẻ chỉ được điểm 7.

Trong một cuộc hội thảo tâm lý về giáo dục đạo đức cho học sinh do hội Tâm lý – giáo dục tỉnh Đồng Nai tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng: môi trường giáo dục gia đình đang có biểu hiện “nhồi” kiến thức cho trẻ. Nhiều phụ huynh có tham vọng đào tạo con mình một cách toàn diện theo phương châm “cái gì cũng phải biết” nên ép con cái học tràn lan để cuối cùng, kết quả thu được là “gì cũng biết mà chẳng biết gì”.

Giáo dục cho trẻ phát triển toàn diện là phương châm của ngành giáo dục thế giới và nước nhà nói riêng. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận tri thức ở con người lại có hạn nên các bậc phụ huynh cần nhận biết khả năng, sở trường của con để đầu tư trong học tập cho các cháu một cách hiệu quả, đúng hướng.

ThS Nguyễn Quế Diệu


Ngày 06-12-2012
Thành viên đăng

cucquy
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Thời gian biểu hay “phụ huynh biểu”?
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: