Thứ 4, 17-04-2024, 2:59 AM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Quýt Bắc Cạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Quýt Bắc Cạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
peheo9xDate: Thứ 4, 28-11-2012, 11:36 PM | Message # 1
Thành viên trẻ
Nhóm: Đã xác nhận là Thành viên
Số bài viết: 2055
Điểm: 2
Trạng thái: Không lên mạng
Quýt Bắc Cạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Cập nhật lúc :10:03 PM, 28/11/2012
Theo TS. Trịnh Khắc Quang-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu chất lượng đặc thù, điều kiện tự nhiên của vùng trồng quýt" nhằm xây dựng được bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Bắc Cạn" cho sản phẩm quýt của tỉnh Bắc Cạn thì việc quýt Bắc Cạn vừa mới được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đã góp phần thừa nhận chất lượng, bảo hộ danh tiếng quýt Bắc Cạn trên phạm vi toàn quốc.

Bảo hộ nguồn gen quý

Cây Quýt, tên khoa học là Citrus reticulata thuộc họ Cam, Quýt (Rutaceae) có nguồn gốc ở vùng Nam Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Quýt Bắc Cạn là tên gọi một giống quýt quý gắn liền với ba huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Ba Bể. Theo tiếng dân tộc Tày quả quýt còn được gọi là Mác nghè, còn theo tiếng dân tộc Mán quả quýt được gọi là Mác pẻn.

TS. Trịnh Khắc Quang cho biết, Quýt Bắc Cạn mang nguồn gen quý, là đặc sản của địa phương. Quả quýt Bắc Cạn tròn dẹt, đường kính từ bảy đến chín cm, cao từ bốn đến năm cm, vỏ nhẵn, màu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép quả màu vàng rơm, không nát, có vị chua dịu, không the đắng, mùi rất thơm. Thành phần chất lượng gồm: đường chiếm 9%, nước chiếm 73%, còn lại là axit, vitamin C.

Hiện nay Bắc Cạn có khoảng 1.300 ha quýt, được trồng tập trung ở các huyện Bạch Thông, Ba Bể và Chợ Đồn trên đất Feralit đỏ vàng trên đá biến chất, đất Feralit vàng đỏ trên phiến thạch sét, đất Feralit vàng trên đá Mắcma axit.

Việc quýt Bắc Cạn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, không những công nhận về chất lượng, bảo hộ thương hiệu, mà còn góp phần tích cực quảng bá sản phẩm, nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, nhận thức của nông dân trong việc trồng, chăm sóc đúng quy trình nhằm mở rộng diện tích, không ngừng nâng cao chất lượng quả. Từ đó, góp phần tích cực giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho người trồng quýt, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Quýt Bắc Cạn (Ảnh: BBK)

Làm giàu cho người trồng quýt

Quang Thuận được coi là trung tâm của quýt Bắc Cạn, bởi vì là nơi nhân giống để mang đi trồng ở các địa phương khác trong tỉnh. Xã có 460 hộ, chủ yếu là người dân tộc Tày, trong đó 80% số hộ trồng quýt, thời điểm này, quýt Quang Thuận đã bước vào chính vụ thu hoạch. Những vườn quýt quả vàng nặng trĩu cành cho thấy một mùa bội thu đang đến với người trồng quýt
.
Là một trong những hộ trồng quýt nhiều ở xã, Gia đình ông Lãng đã trồng quýt được hơn 10 năm nay, ông chia sẻ, với vườn quýt này dự kiến sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí mua phân bón, thuê nhân công… gia đình thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Gia đình anh Lưu Đình Thăng ở thôn Nà Chạp, xã Quang Thuận cũng có vườn quýt hơn hai nghìn cây, vừa qua anh bán cả vườn với giá 350 triệu đồng cho người buôn. Tuy nhiên Anh Thăng cũng cho biết: “Do không có nhân lực hái, quýt đến vụ chín phải thu, đường xá như thế nên tư thương ép giá, bình thường vườn quýt này tôi sẽ thu 450 triệu đồng”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Thuận, ông Cao Xuân Lãng vui vẻ cho biết: Vụ này, quýt Quang Thuận được mùa. Toàn xã có 400ha trồng quýt, thì hiện nay khoảng 300ha cho thu hoạch. Năm nay, diện tích và sản lượng quýt đều tăng so với năm ngoái. Dự kiến sản lượng ước khoảng 2000 – 2.500 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Cũng do quýt năm nay được mùa nên các tư thương đã hạ giá quýt xuống 2000 đồng so với năm trước. Giá thu mua tại đây dao động khoảng 8.000 đồng – 10.000 đồng theo chất lượng quả. Tuy nhiên điều này vẫn không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các hộ dân.

Để có được thành công này, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn khẳng định trong nhiều năm qua Sở đã đã kiên trì nhân giống quýt bằng phương pháp ghép cành, ghép mắt thay thế cho phương pháp nhân giống truyền thống của nông dân. Phương pháp ghép cành, ghép mắt giúp cây sinh trưởng khoẻ, giữ được chất lượng của quýt, hệ số nhân giống cao hơn. Bên cạnh đó Sở cũng đã tích cực phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả để hoàn thành tốt đề tài "Nghiên cứu chất lượng đặc thù, điều kiện tự nhiên của vùng trồng quýt" nhằm bảo hộ sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho bà con nông dân.


Ngày 28-11-2012
Thành viên đăng

peheo9x
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Quýt Bắc Cạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: