Thứ 6, 29-03-2024, 5:39 PM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Để dân không phản ứng cực đoan với chính sách
Để dân không phản ứng cực đoan với chính sách
peheo9xDate: Thứ 4, 28-11-2012, 11:06 PM | Message # 1
Thành viên trẻ
Nhóm: Đã xác nhận là Thành viên
Số bài viết: 2055
Điểm: 2
Trạng thái: Không lên mạng
Để dân không phản ứng cực đoan với chính sách

SGTT.VN - Đã có cả trăm người dân bị phạt nặng theo nghị định 71, khi họ tự giác đến các cơ quan công an để sang tên đổi chủ theo sự khuyến khích của một số quan chức ngành cảnh sát giao thông (CSGT) khi thực thi nghị định này. Điều này khiến phó chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga không khỏi quan ngại mức phạt quá cao đã làm cho người dân có phản ứng cực đoan với chính sách hoặc tìm cách “lách luật”.

Ngoài đường xe chưa sang tên không bị phạt, nhưng khi tự nguyện đến cơ quan công an để sang tên đổi chủ thì bị phạt nặng. Ảnh: Chí Hiếu

Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây về nghị định 71, cục trưởng cục CSGT đường bộ – đường sắt Nguyễn Văn Tuyên khẳng định: CSGT chỉ phạt xe không chính chủ khi người điều khiển phương tiện đã vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, lạng lách… Tuy nhiên, ông Tuyên cũng thừa nhận: khi thực hiện nghị định 71, ngay cả khi người dân tự nguyện đến cơ quan chức năng để chuyển quyền sử dụng xe thì vẫn sẽ… bị phạt!

Theo con số ông Tuyên cung cấp, hiện cả nước có khoảng 30 – 40% (tương đương 12 – 13 triệu) phương tiện chưa thực hiện chuyển đổi quyền sở hữu xe khi mua bán, đồng nghĩa sẽ có bằng đó trường hợp bị phạt khi tới cơ quan chức năng thực hiện chuyển quyền sở hữu xe. Ông Tuyên cũng nhìn nhận: “Đây là vấn đề lớn đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện nghị định 71, khi ngành công an đang tuyên truyền cho người dân đi chuyển quyền sở hữu”. Ông trấn an: “Vì mục tiêu khuyến khích đó, cục CSGT sẵn sàng đề xuất giảm mức phạt so với nghị định 71”. Vậy nhưng, trong lúc đó, tại nhiều địa phương, ít nhất đã có cả trăm người dân nghe theo sự khuyến khích của ngành CSGT, gương mẫu đi thực hiện chuyển quyền sở hữu đã gặp phải những “cú sốc”: bị phạt nặng vì hành vi mua xe quá 30 ngày mà chưa chuyển quyền sở hữu (theo nghị định 71, mức phạt cho xe máy từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng, với ôtô từ 6 – 10 triệu đồng). Đơn cử, chỉ tính riêng tại Hà Nội, theo thống kê sơ bộ từ phòng CSGT công an Hà Nội, đến hết ngày 25.11 đã có hơn 60 trường hợp bị xử phạt vì hành vi này. Chứng kiến cảnh những người dân gương mẫu đi thực hiện việc sang tên đổi chủ để hưởng ứng chủ trương của ngành công an, nhưng lại bị phạt nặng hàng triệu đồng, không ít người (có xe chưa chuyển quyền sở hữu) cho hay sẽ tạm thời chọn cách nói dối là khai xe mượn, xe thuê nếu chẳng may bị hỏi đến.

TS Lê Hồng Sơn, cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp):

“Nên sửa nghị định, cần thiết thì xem lại cả luật”

Vấn đề quan trọng là đây không phải hành vi nguy hại, gây mất an toàn giao thông hay gây tai nạn như hành vi không có bằng lái, hay điều khiển xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật… nên theo tôi chỉ nên phạt nhẹ chứ không nên phạt nặng kiểu “cưỡng trị”. Phạt nặng là quan điểm sai khi đặt ra quy định, khi nhận định hành vi này. Một điều quan trọng nữa là làm sao để việc sang tên đổi chủ phải dễ dàng cho dân, đừng đặt ra thủ tục phiền hà, mức phí nặng. Quan điểm của tôi là không nên bắt dân mang theo người nhiều loại giấy tờ như cả giấy đăng ký xe. Chỉ cần có bằng lái đúng loại, xe đảm bảo an toàn kỹ thuật là được. Thế nên, nếu cần thì sửa nghị định, thậm chí xem lại luật nếu luật bắt buộc.
Trung tá Đinh Văn Hoà, phó đội trưởng đội quản lý phương tiện (phòng CSGT Công an Hà Nội) cho biết, từ khi số điện thoại di động của ông được lãnh đạo phòng công khai là “đường dây nóng” để giải đáp thắc mắc của người dân về thủ tục sang tên đổi chủ, đã có rất nhiều trường hợp người dân (qua điện thoại) nói rằng họ có đủ giấy tờ khi mua bán xe, nhưng vẫn không chịu đến cơ quan công an để sang tên chuyển chủ. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Hoà, thì có thể mỗi người một lý do mà mình không thể “đọc” hết suy nghĩ của người dân, nhưng cũng không loại trừ có tâm lý chờ đợi giảm mức phí, thậm chí là mức xử phạt với hành vi này.

Theo bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, mức phạt 1,2 triệu đồng/xe máy, đối với người khá giả là không lớn nhưng đối với người nghèo, người dân nông thôn, sinh viên... là không nhỏ; còn mức phạt 10 triệu đồng/ôtô thì kể cả người khá giả cũng là một vấn đề. “Mức phạt quá cao đã làm cho nhiều người dân có phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước và người trực tiếp thực thi hoặc tìm cách “lách luật””, bà Nga lo ngại.

Mặc dù quy định phạt hành vi này đã có từ năm 1995, nhưng có lẽ, giờ đây, nếu để thật sự khuyến khích người dân chuyển quyền sở hữu thì ít nhất ngành công an cũng phải kiến nghị chỉ phạt nặng (theo nghị định 71) với hành vi không chuyển quyền khi mua đi bán lại sau ngày nghị định 71 có hiệu lực (ngày 10.11.2012). Còn với những trường hợp vẫn chưa chuyển quyền sở hữu, song việc mua bán ấy đã diễn ra trước ngày nghị định 71 có hiệu lực thì chỉ nên phạt nhẹ theo các nghị định cũ (như nghị định 34 là 100.000 – 200.000 đồng với xe máy, và từ 1 – 2 triệu đồng với ôtô), hoặc thậm chí miễn phạt trong một thời gian để người dân có điều kiện đi sang tên đổi chủ, sau đó mới áp dụng mức phạt nặng. Khi đó, chắc chắn người dân sẽ không ngần ngại để đi chuyển quyền sở hữu nhằm tránh những rắc rối về sau.

Trung Đức

Áp dụng mức phạt theo thời điểm vi phạm

Ngày 27.11, để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với đại tá Trần Thế Quân, phó vụ trưởng vụ Pháp chế bộ Công an:

Có ý kiến cho rằng, với các hành vi chưa chuyển quyền sử dụng khi mua bán xe diễn ra trước khi nghị định 71 có hiệu lực, thì chỉ nên áp dụng mức phạt nhẹ theo các nghị định trước đó thay vì phạt nặng theo nghị định 71, như thế mới khuyến khích được người dân đi chuyển đổi?

Phạt thì phải theo thời hiệu văn bản pháp quy. Hành vi nào vi phạm kể từ sau thời điểm nghị định 71 có hiệu lực thì mới áp dụng các mức phạt theo các nghị định mới.

Vậy tới đây bộ Công an có kiến nghị như vậy để người dân khỏi lo bị phạt nặng?

Nguyên tắc pháp luật là phải áp dụng theo thời hiệu văn bản, vì thế không cần kiến nghị nữa mà phải áp dụng đúng.

Nhưng thực tế có trường hợp người dân vi phạm từ rất lâu rồi, nhưng mới đây khi đi chuyển quyền sở hữu thì họ vẫn bị cảnh CSGT áp mức phạt theo nghị định 71?

Nếu các địa phương áp dụng chưa thống nhất thì bộ sẽ có văn bản hướng dẫn. Hành vi vi phạm diễn ra thời điểm nào thì phải áp dụng mức phạt của văn bản có hiệu lực ở thời điểm đó.

Như vậy có thể hiểu là: tôi mua xe từ năm 2005, nhưng từ đó đến nay chưa sang tên đổi chủ, nay tôi đi sang tên thì tôi chỉ bị phạt nhẹ theo nghị định cũ chứ không phải theo mức mà nghị định 71 quy định?

Đúng thế.

Vậy còn bộ kiến nghị giảm phí chuyển quyền sử dụng thì bộ Công an đã có văn bản chính thức chưa?

Cái đó thì ngay cả khi trước cuộc họp với bộ Tư pháp, chúng tôi cũng đã mấy lần có công văn đề nghị giảm phí rồi.

Chí Hiếu (thực hiện


Ngày 28-11-2012
Thành viên đăng

peheo9x
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Để dân không phản ứng cực đoan với chính sách
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: