Thứ 6, 26-04-2024, 5:49 AM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Thực hư về lối mòn “tự mở”
Thực hư về lối mòn “tự mở”
peheo9xDate: Thứ 4, 28-11-2012, 8:40 PM | Message # 1
Thành viên trẻ
Nhóm: Đã xác nhận là Thành viên
Số bài viết: 2055
Điểm: 2
Trạng thái: Không lên mạng
Thực hư về lối mòn “tự mở”

GiadinhNet - Từ cuối năm 2011 đến nay, tại khu vực các cửa khẩu chính ngạch biên giới Lạng Sơn xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu.

Bãi tập kết container sang tải hàng hóa để vận chuyển hợp pháp qua lối mở Co Sa. Ảnh: Việt Nguyễn.

Tổng cục Hải quan đã đồng ý và hướng dẫn Cục Hải quan Lạng Sơn giám sát, quản lý phương tiện qua lối mở Co Sa-nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma nhằm tháo gỡ khó khăn chung. Tuy nhiên, đã xuất hiện bất đồng quan điểm không có lợi từ nhiều cơ quan hữu quan.

Tỉnh cẩn thận, Bộ ôm việc

Thực tế, các cơ quan chức năng tại địa phương là chính quyền, hải quan, biên phòng, kiểm dịch và doanh nghiệp, người dân cùng tán thành việc xuất hàng qua lối mở này để giải thoát khó khăn, vì cuối năm 2011, phía Trung Quốc thắt chặt chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua biên giới, nên một lượng lớn hàng hóa XNK bị ùn tắc tại các cửa khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, thủy hải sản tươi sống của nông, ngư dân Việt Nam. Hàng tạm nhập tái xuất cũng gặp phải tình trạng tương tự. Thế nên, tất cả các cơ quan tại Lạng Sơn và Tổng cục Hải quan tính đến phương án thông hàng qua lối mở Co Sa là một giải pháp hợp lý.

Qua tìm hiểu, việc UBND tỉnh Lạng Sơn gửi công văn số 103 ngày 9/5/2012 tới Bộ Tài chính đề nghị cho phép xuất khẩu hàng qua Co Sa là một việc làm quá… cẩn thận. Bởi, Co Sa nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma (cửa khẩu phụ), mà theo văn bản 5740 (18/6/2009) của Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng ban Chỉ đạo thương mại biên giới Nguyễn Cẩm Tú đã nói rõ: “Chủ tịch UBND các tỉnh nơi có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới quyết định cho những hàng hóa đáp ứng các quy định được đi qua cửa khẩu phụ, lối mở”… Hơn nữa, về ngành dọc, Cục Hải quan Lạng Sơn cũng đã báo cáo Tổng cục Hải quan và được chấp thuận cho quản lý, giám sát hàng qua lối mở Co Sa.

Chưa hết, trước khi gửi các đề nghị lên Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, ngày 3/5, UBND tỉnh Lạng Sơn và Hải quan Lạng Sơn đã tổ chức họp với tất cả các lực lượng và doanh nghiệp liên quan về việc quản lý, giám sát hàng hóa qua lối mở Co Sa. Và sớm hơn, ngày 5/4, Hải quan Lạng Sơn cũng khảo sát, đánh giá thực trạng của lối mở này. Như vậy, có thể nói, Cục Hải quan và UBND tỉnh Lạng Sơn đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, cẩn thận trước khi cho phép hàng hóa qua lối mở Co Sa để giải cứu khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng “thất thường” từ các đối tác Trung Quốc.

Vậy nhưng, mặc dù đề nghị Lạng Sơn thận trọng khi dùng lối mở, nhưng Bộ Tài chính lại cho rằng Lạng Sơn đang làm chưa đúng.
To khó lọt thì xé nhỏ ra đi


Ông Nguyễn Công Trưởng - Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, từ tháng 7/2011 đến tháng 5/2012, các cơ quan chức năng đã bắt giữ 17 vụ với số lượng trên 50 xe container xuất hàng chui. Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định, nhu cầu hàng qua lối mở là từ 100 đến 150 xe mỗi ngày. Do đó, đưa lối mở Co Sa vào hoạt động, có sự quản lý, giám sát của Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch… là việc làm cần thiết.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Bình; Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng; ông Hà Hồng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; Đại tá Mã Văn Cháo - Chỉ huy trưởng Biên phòng Lạng Sơn cùng khẳng định, thực trạng doanh nghiệp tự tìm cách đi qua các đường mòn, lối mở mới “nóng” lên thời gian gần đây khi việc xuất hàng ở Móng Cái, Quảng Ninh gặp khó khăn.

Ngày 26/11, PV Báo GĐ&XH đã tới khu vực Co Sa để tìm hiểu thực tế. Trên đường vào cửa khẩu Chi Ma có các bãi tập kết xe container đối diện khu làm việc của Chi cục Hải quan Chi Ma, nằm trong tầm giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng. Lối mở Co Sa ở cuối đường tuần tra biên giới dài 3km bắt đầu từ lối rẽ giáp cửa khẩu. Đoạn đường bê tông hẹp, quanh co chỉ đủ cho một xe tải hạng nhẹ chạy một chiều, các chốt biên phòng, hải quan nằm rải rác bên đường để giám sát. Đi được 2km, xe của chúng tôi gặp ngay một đoạn sạt lở lớn, đất đá hai bên núi đổ ập, chắn gần hết con đường bê tông. Khe hở vừa đủ để xe cỡ nhỏ lách qua với kỹ năng thật khéo léo của tài xế. Nhưng gian nan chưa dừng ở đó.

Cách lối mở Co Sa chừng 1km là đoạn đường đất lầy lội toàn bùn đất nhão nhoét. Qua tìm hiểu, sau khi Hải quan và Biên phòng Lạng Sơn bố trí lực lượng để chính thức thông hàng qua con đường này, xe container phải dừng và sang tải ở khu vực cửa khẩu Chi Ma, sau đó các xe tải cỡ nhỏ mới làm nhiệm vụ chở hàng đến giáp đường biên giao cho đối tác Trung Quốc, dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Do đường hẹp và lầy lội, dù xe cỡ nhỏ, nhưng các doanh nghiệp cũng phải sắp xếp chiều đi và chiều về không đụng nhau. Khu vực giao hàng giữa đôi bên cũng là đoạn đường đất dốc, chật chội giữa núi, có một gác chắn do biên phòng canh giữ.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, dù Co Sa là lối mở, nhưng lúc nào các đối tác Trung Quốc đồng ý thì doanh nghiệp Việt Nam mới đi hàng được, có nhiều trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất đành phải chở ngược về Hải Phòng vì Lạng Sơn chưa có kho lạnh để lưu container dài ngày.
Có thể nói, việc xuất khẩu hàng qua biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam rất bị động. Do đó, tận dụng các cửa khẩu phụ, lối mở đường biên một cách hợp pháp để kiểm soát buôn lậu, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng hóa là hướng đi phù hợp cho giai đoạn nhạy cảm dịp giáp Tết.


Ngày 28-11-2012
Thành viên đăng

peheo9x
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Thực hư về lối mòn “tự mở”
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: