Thứ 6, 29-03-2024, 8:18 AM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Phí cao đổ đầu dân
Phí cao đổ đầu dân
cucquyDate: Thứ 4, 28-11-2012, 4:51 PM | Message # 1
Thành viên trung niên
Nhóm: Thành viên
Số bài viết: 4900
Điểm: 0
Trạng thái: Không lên mạng
Lộ trình tăng phí giao thông quốc lộ 1 và 14 lên 3,5 lần:

Phí cao đổ đầu dân

TT - Như Tuổi Trẻ đưa tin (27-11), Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về chủ trương tăng phí đường bộ theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, từ nay đến năm 2016 phí giao thông sẽ tăng 3,5 lần so với mức hiện nay, trước mắt sẽ áp dụng với quốc lộ 1 và quốc lộ 14.

Quốc lộ 14 vẫn còn ngổn ngang nhưng phí giao thông đã dự kiến tăng lên 3,5 lần - Ảnh: Bùi Liêm

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp xung quanh lộ trình tăng phí này.

* Ông Thái Văn Chung (tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Khó cho doanh nghiệp vận tải

Hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các doanh nghiệp chuyên chở hàng hóa đang gánh nặng 10-19% phí giao thông trong tổng giá cước vận tải. Vì vậy, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải cần xem xét điều chỉnh giảm mức phí bảo trì đường bộ và cần tổ chức thu phí hợp lý. Đồng thời nên xem xét giảm mức phí giao thông đường bộ càng thấp càng tốt chứ tăng lên 3,5 lần sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

* Ông Tạ Quang Huyên (giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn I, huyện Bù Đăng, Bình Phước):

Kiếm đâu ra lợi nhuận để bù phí tăng

Trung bình hằng tháng doanh nghiệp xuất, nhập 100 container (mỗi container từ 18-20 tấn). Nếu áp dụng điều chỉnh mức phí xe tải từ 18 tấn trở lên, tăng từ 80.000 đồng lên 280.000 đồng/lượt thì doanh nghiệp sẽ không biết kiếm đâu ra lợi nhuận để bù đắp. Ngoài ra, do đường xấu phải “cắn răng” tăng thêm cho nhà xe 15-20% giá cước vận chuyển. Thời gian lưu thông tuyến đường trên trước đây chỉ khoảng ba giờ nay cũng phải mất hơn bốn giờ vì đường xấu. Không những thế, phương tiện khi lưu thông qua quốc lộ 14 cũng bị hư hỏng rất nhanh, phải sửa chữa liên tục.

* Ông Nguyễn Công Đinh (chủ tịch Hiệp hội Xe khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM):

Cân nhắc khi tăng phí

Việc điều chỉnh phí giao thông đường bộ từ nay đến năm 2016 tăng lên 3,5 lần sẽ trở thành một gánh nặng cho doanh nghiệp. Khi mức phí tăng cao, giá cước tăng thì các doanh nghiệp vận tải trong nước sẽ càng thêm khó khăn khi cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hiệp hội Xe khách liên tỉnh và du lịch TP rất mong các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh mức phí phù hợp.

* Ông NGUYỄN XUÂN THIỆN (chủ nhiệm HTX vận tải Thống Nhất, huyện Trảng Bom, Đồng Nai):

Người dân lãnh đủ

Không ai đồng tình cách lý giải của Bộ Giao thông vận tải về lý do phải tăng phí lên gấp 3,5 lần. Giới kinh doanh vận tải đang chịu áp lực về nhiều loại phí, đang phải co cụm lại. Nếu tăng phí, hơn 200 đầu xe của hợp tác xã chúng tôi đang chạy trên quốc lộ 1 phục vụ công nhân, học sinh... cũng phải tăng giá vé, hợp đồng. Như vậy công nhân, học sinh phải chịu phí này chứ không phải hợp tác xã. Nhưng tình hình sẽ khó khăn cho hợp tác xã, doanh nghiệp khi khách hàng tìm phương tiện khác giá rẻ hơn để đi làm việc, học tập.

Còn đối với xe tải, phí tăng thì giới kinh doanh vận tải sẽ cộng vào các loại phí để tăng giá vận chuyển hàng hóa. Khi đó giá cả các mặt hàng bị đội lên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

* Ông Tạ Quang Khánh (chủ nhiệm HTX vận tải hàng hóa hành khách Bù Đăng, Bình Phước):

Sẽ bán xe, bỏ bến

Hiện xã viên hợp tác xã đang gặp rất nhiều khó khăn do phương tiện vận tải hành khách ngày càng tăng, bến bãi rộng mở... Bên cạnh đó, hợp tác xã còn chịu sự cạnh tranh của xe khách các tuyến Gia Lai, Buôn Ma Thuột, Đắk Nông đi TP.HCM. Chi phí các khoản như: xăng dầu, vé cước đường bộ, lệnh xuất bến hai đầu (bến xe miền Đông và Bù Đăng), tài xế, lơ xe... hết khoảng 2,3 triệu đồng/chuyến. Trong khi đó giá vé bán tại hai bến chỉ ở mức 85.000 đồng/vé. Vì vậy xã viên thường bị lỗ, từ 500.000-600.000 đồng/chuyến.

Hiện nhiều xã viên hợp tác xã đang rao bán xe, bỏ bến vì không chịu nổi lỗ trong thời gian dài. Nếu cước phí đường bộ quốc lộ 14 tăng theo chủ trương của Bộ Giao thông vận tải, chắc chắn sẽ có nhiều xã viên bán xe, bỏ bến vì không “gánh” nổi lỗ.

Dự án quốc lộ 14:

Chưa biết khi nào hoàn thành

Ngày 27-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Bình Phước cho rằng với tiến độ thi công chậm như hiện nay, không biết đến bao giờ dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 14 đoạn Cây Chanh đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) mới hoàn thành.

Được biết, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 theo hình thức BOT dài hơn 75km, với tổng vốn đầu tư 1.481 tỉ đồng, được chia làm hai gói dự án. Theo đó, đoạn Cây Chanh đến cầu 38 dài 33,8km, vốn đầu tư 667 tỉ đồng do Công ty CP Đức Phú làm chủ đầu tư. Đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài dài 41,3km, vốn đầu tư 814 tỉ đồng do Công ty CP Đức Thành - Gia Lai làm chủ đầu tư. Dự án không thông qua đấu thầu mà được ông Trương Tấn Thiệu, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, chỉ định thầu cho nhà đầu tư thực hiện. Được khởi công tháng 5-2010, theo cam kết hoàn thành tháng 5-2013, nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang.

Theo Sở Giao thông vận tải Bình Phước, do năng lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế nên tiến độ thi công rất chậm, nhiều đoạn được thi công không đúng với thiết kế ban đầu. Trong một văn bản ngày 3-10-2012, do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng ký gửi Thủ tướng Chính phủ, khối lượng thực hiện gói dự án cầu số 38 - thị xã Đồng Xoài mới đạt khoảng 24% và gói dự án Cây Chanh - cầu 38 đạt khoảng 13,4%.

BÙI LIÊM


Ngày 28-11-2012
Thành viên đăng

cucquy
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Phí cao đổ đầu dân
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: