Thứ 5, 28-03-2024, 4:23 PM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » 'Luật rừng' của tín dụng 'đen'
'Luật rừng' của tín dụng 'đen'
peheo9xDate: Thứ 3, 27-11-2012, 9:49 PM | Message # 1
Thành viên trẻ
Nhóm: Đã xác nhận là Thành viên
Số bài viết: 2055
Điểm: 2
Trạng thái: Không lên mạng
'Luật rừng' của tín dụng 'đen'
27.11.2012 14:32

Trong 2 tuần vừa qua, liên tiếp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội xảy ra các vụ tố cáo bị lừa vay nợ có thế chấp của người dân với các cá nhân, tổ chức 'tín dụng đen' với lãi suất 'khủng'... dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo Phòng PC45 CATP thì nguyên nhân chủ yếu của các vụ việc này bắt nguồn từ những khoản vay nợ lãi suất cao với các thủ đoạn “lách luật” tinh vi, bị mất trắng tài sản đã dẫn đến hành động làm liều…

“Đáo tụng đình” từ nợ xấu

Giữa tháng 11.2012, Đội 9 Phòng cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội nhận được nhiều đơn trình báo của các cá nhân tố cáo đã bị vợ chồng Nguyễn Đức Bắc, SN 1966 và Huỳnh Thị Hiền, SN 1968, nguyên TGĐ và PTGĐ Công ty CP đầu tư TM và BĐS miền Bắc, có trụ sở tại số 2, ngõ Văn Chỉ, đường Lê Đức Thọ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng thông qua việc cho vay nợ.

Qua điều tra làm rõ 2 vợ chồng Bắc – Hiền thành lập Cty hoạt động trong lĩnh vực BĐS, xây dựng. Để huy động vốn làm ăn, Bắc - Hiền đã lập các hồ sơ khống như Hợp đồng cung cấp vật liệu xây dựng cát, đá, sỏi cho đối tác tại khu vực châu Á và cho nhiều người thân, khách hàng xem để từ đó thuận lợi huy động góp vốn kinh doanh.

Sau khi có được số tiền lớn, Hiền và Bắc đã cho nhiều cá nhân khác vay lại với lãi suất cao. Song, hình thức vay dù chỉ mấy chục triệu đồng đến vài trăm triệu thì các “con nợ” cũng phải thế chấp tài sản, cụ thể là sổ đỏ hoặc làm các thủ tục bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng cho Hiền, Bắc. Vì khó khăn trong việc xoay sở tiền mặt, biết là lãi suất cao và có rủi ro khi làm thủ tục giao sổ đỏ hoặc bảo lãnh vay vốn nhưng 15 cá nhân đã buộc phải đồng ý giao tài sản với số tiền trị giá gấp nhiều lần số tiền được vay cho vợ chồng Hiền, Bắc.

Kết quả khi cầm được tài sản của các “con nợ” trong tay, 2 đối tượng này đã tiến hành làm thủ tục sang tên mình để đem bán và gán nợ cho người khác.

Hợp đồng sau một năm vay tín dụng “đen”, số tiền 300 triệu đồng ban đầu đã thành 2 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi.

Vụ án đang được điều tra

Ngày 24.11, tại nhà bà Dương Thị Ngó, SN 1948, trú tại số 20/114 đường Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã xảy ra vụ trọng án. Anh Hà Phương Lương, SN 1962, tại số 42 đường Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ, tạm trú tại tổ 40 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai đã mang theo một khẩu súng tự chế bên trong có 4 viên đạn và một bọc mìn tự chế đến nhà bà Ngó tìm anh Nguyễn Khắc Nghĩa, SN 1990 để “giải quyết” việc nợ nần.

Gặp anh Nghĩa, anh Lương đã dùng súng bắn 2 phát về phía anh này nhưng đạn đi sượt qua cổ và bụng. Anh Nghĩa vùng chạy ra đường kêu cứu thì anh Lương ôm bọc mìn chạy lên tầng ba ngôi nhà với ý định cho nổ sập, nhưng trong lúc giằng co khối thuốc nổ bị kích hoạt khiến anh Lương tử vong tại chỗ. Sơ bộ điều tra cho thấy, nguyên nhân rất có thể do mâu thuẫn cá nhân giữa việc vay mượn tiền, “cầm cố” sổ đỏ giữa anh Lương và một số người thân của anh Nghĩa.

Cách lách luật của “tín dụng đen”

Khác với những phương thức vay tiền theo kiểu “tín chấp” hay “viết giấy”, các cá nhân, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” hiện tại sử dụng hình thức “lách luật” rất tinh vi, ép con nợ chuyển tài sản thế chấp như bất động sản hình thành trong tương lai, xe máy, ô tô, sổ đỏ và các tài sản có giá trị khác cho mình, nhưng phải làm công chứng ủy quyền định đoạt toàn bộ số tài sản đó hoặc làm các thủ tục đứng ra bảo lãnh cho mình vay vốn ngân hàng.

Mặc dù có nhiều người, chỉ vay nợ vài chục triệu đồng, bên cạnh việc trả nợ lãi suất “cắt cổ”, vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” thế chấp ô tô hoặc sổ đỏ cho chủ nợ, điều đặc biệt là phải làm Hợp đồng ủy quyền công chứng quyền sở hữu, sử dụng phương tiện, tài sản cho chủ nợ. Bề ngoài thì các chủ nợ vẫn nói: “Khi nào có tiền trả thì sẽ làm thủ tục trả lại tài sản, làm ăn uy tín không vi phạm pháp luật”. Nhưng, khi con nợ đã hoàn thành các thủ tục này, thì xét về mặt pháp lý, tài sản đã được chuyển nhượng hợp pháp từ con nợ sang chủ nợ.

Bên cạnh một số cá nhân có hiểu biết về pháp luật nhưng vẫn phải chấp nhận tìm đến các cá nhân, tổ chức "tín dụng đen" do lo ngại phải thực hiện quá nhiều thủ tục tại các ngân hàng, quá trình giải ngân chậm trong khi số tiền muốn vay ít thì một bộ phận dân chúng do không nắm được các kiến thức về pháp luật đã rất “hồn nhiên” khi vay tiền mà bị yêu cầu phải làm Hợp đồng ủy quyền công chứng tài sản của mình sang tên chủ nợ hoặc dùng tài sản của mình thế chấp vào để cho chủ nợ vay vốn ngân hàng.

Trong nhiều lá đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra cho biết: “Các chủ nợ nói làm như thế để chắc chắn mình sẽ trả lãi, gốc đúng thời hạn và cũng để chắc chắn là mình không đem tài sản thế chấp, cầm cố cho bên thứ 3, chứ mình vay có ít tiền, đã trả lãi suất cao nên họ không bán hoặc chuyển nhượng tài sản của mình”. Song, trên thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” sau khi nhận được các Hợp đồng ủy quyền tài sản của con nợ hoặc đã hoàn thành các thủ tục bảo lãnh vay vốn ngân hàng, tự ý nâng cao lãi suất để ép con nợ vào bước đường cùng, rồi sau cùng mang tài sản của con nợ đi bán với lí do “không trả tiền đúng thời hạn, vi phạm hợp đồng cho vay”.

Nhiều chủ nợ khác thì ngay lập tức mang tài sản của con nợ đi cầm cố, thế chấp cho bên thứ 3 để lấy vốn “quay vòng”, nếu không còn khả năng trả nợ thì tài sản của con nợ trở thành tài sản của bên thứ 3, con nợ nếu muốn lấy được tài sản về cùng lúc phải gánh “một ách hai tròng”: Của chủ nợ trực tiếp và của chủ nợ gián tiếp, còn nếu đưa ra cơ quan công an giải quyết thì toàn bộ tài sản đã được chuyển sang tên chủ nợ, rất khó để đòi lại nếu không có đủ căn cứ lừa đảo.

Cơ quan cảnh sát điều tra khuyến cáo: "Các cá nhân khi thực hiện các giao dịch vay nợ của các cá nhân, tổ chức tín dụng ngoài tổ chức tín dụng của Nhà nước cần thận trọng khi được yêu cầu ký các Hợp đồng ủy quyền công chứng chuyển quyền sử dụng, sở hữu tài sản của mình cho người khác. Vì khi đã làm các thủ tục này, đồng nghĩa với việc giao tài sản của mình cho người khác định đoạt, họ có thể bán, sang nhượng, cầm cố thế chấp cho bên thứ 3 và khả năng đòi lại là rất khó nếu không nói là không thể vì Hợp đồng công chứng là Hợp đồng đã có sự thỏa thuận và được đảm bảo về mặt pháp lý".

Hiện, có nhiều ngân hàng thực hiện việc giao dịch làm các thủ tục giải ngân khi có tài sản thế chấp rất nhanh chóng và tiện lợi, mức lãi suất cũng ổn định và thấp hơn rất nhiều so với lãi suất của các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Trước khi xác định vay tiền, nên có thời gian tìm hiểu về thủ tục vay vốn tại các điểm giao dịch của ngân hàng để tránh tối đa các rủi ro trong khi thực hiện giao dịch vay nợ.

Pháp luật & Xã hội


Ngày 27-11-2012
Thành viên đăng

peheo9x
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » 'Luật rừng' của tín dụng 'đen'
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: