Thứ 7, 20-04-2024, 2:15 PM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Nhận dăm ba chục ngàn đồng cũng là tham nhũng
Nhận dăm ba chục ngàn đồng cũng là tham nhũng
peheo9xDate: Thứ 2, 26-11-2012, 10:29 PM | Message # 1
Thành viên trẻ
Nhóm: Đã xác nhận là Thành viên
Số bài viết: 2055
Điểm: 2
Trạng thái: Không lên mạng
Nhận dăm ba chục ngàn đồng cũng là tham nhũng

SGTT.VN - “Cảnh sát giao thông nhận tiền, dù năm bảy chục ngàn hay một vài trăm ngàn (đồng) mà bỏ qua vi phạm, theo luật Phòng chống tham nhũng thì đó là hành vi tham nhũng rồi, chỉ có điều chưa đến mức xử lý hình sự theo bộ luật Hình sự thôi”, một đại biểu quốc hội thuộc uỷ ban Tư pháp bày tỏ quan điểm trước ý kiến của một quan chức ngành công an nói rằng cảnh sát giao thông nhận năm bảy chục ngàn đồng của người vi phạm “chỉ là tiêu cực chứ không phải là tham nhũng”.

Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng việc CSGT nhận 50 - 70 ngàn đồng của dân là tiêu cực chứ chưa thể gọi là tham nhũng (hình ảnh chỉ mang tính minh họa).

Theo miêu tả của báo chí, tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Công An Nhân Dân tổ chức giữa tuần trước, trả lời câu hỏi của giới báo chí về kết quả điều tra xã hội học (do Thanh tra Chính phủ và ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện) xếp cảnh sát giao thông là một trong bốn đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao nhất, thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, cục trưởng cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt cho rằng những hành vi như đã miêu tả “chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng” và “thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực chưa rạch ròi”.

Theo ông Tuyên, nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm ngàn mà cho đó là tham nhũng là không thoả đáng. Tham nhũng phải là những người có chức, có quyền nhưng lợi dụng chức quyền đó bớt xén, móc nối lấy tiền của Nhà nước.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nói rằng phát biểu trên khiến ông “rất trăn trở”. Theo ông, đúng là cũng có người hiểu hễ tham nhũng thì phải lớn, phải nhiều, tuy nhiên, theo định nghĩa về tham nhũng thì có tham nhũng lớn, có tham nhũng vặt.

Ông Tiến nói: “Nếu chỉ nói riêng lẻ nhận năm bảy chục thôi thì nhỏ thật, nhưng nếu cảnh sát giao thông làm việc đó liên tục, nhiều trường hợp liên tục cộng lại, ví dụ nửa giờ có vài trăm mà cộng lại trong một ngày làm việc thì (số tiền) sẽ rất lớn. Trăn trở của tôi chính là ở chỗ này. Một trăm ngàn hay năm chục ngàn (đồng) thì không hẳn là tham nhũng nhưng nếu một ngày cộng lại thì thế nào?”

Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) 2005 vừa được Quốc hội thông qua ngày 23.11.2012, tại điều 3 xác định “Các hành vi tham nhũng” gồm có: Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi (khoản 11); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi (khoản 12); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi (khoản 4); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi (khoản 6); Nhận hối lộ (khoản 2); Nhũng nhiễu vì vụ lợi (khoản 10); Còn theo tổ chức Minh bạch quốc tế, tham nhũng hay tham ô là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân.

(Theo Wikipedia)

Một phó chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp thì khẳng định, chiếu theo luật Phòng chống tham nhũng, hành động nói trên là hành vi tham nhũng vì theo luật, “người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào – nghĩa là nhận hối lộ – là hành vi tham nhũng; như vậy, dấu hiệu thứ nhất là lợi dụng chức vụ quyền hạn, dấu hiệu thứ hai là nhận tiền để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ.

“Lấy ví dụ, một người vượt đèn đỏ bị giữ lại, người đó đưa cho cảnh sát giao thông một khoản tiền. Cảnh sát giao thông với chức vụ, quyền hạn là người điều hành giao thông và có thẩm quyền phạt, nhưng lại nhận tiền để bỏ qua vi phạm hoặc tìm một lỗi nhẹ hơn số tiền đáng ra phải phạt. Phân tích hành vi của cảnh sát giao thông trong trường hợp này cho thấy dấu hiệu thứ nhất là lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận tiền; dấu hiệu thứ hai là không làm một việc thuộc quyền hạn nhiệm vụ của mình (là xử phạt) vì lợi ích của người đưa hối lộ”, vị này phân tích, đồng thời nhấn mạnh, đừng có nghĩ cứ phải tội phạm hình sự mới là tham nhũng. Ở đây anh “lọt” vào đúng hành vi nhận hối lộ rồi, có điều hành vi này nhưng chưa đến mức xử lý hình sự mà thôi.

Còn theo luật sư Trần Vũ Hải, nhận dù chỉ một lần và chỉ năm bảy chục ngàn đồng của người dân cũng đã là hành vi tham nhũng. “Không thể nói phải nhiều lần năm bảy chục hay một trăm mới là tham nhũng, còn một lần thì không. Tất nhiên tham nhũng, có nhiều mức, như trước đây quy định từ 500.000 đồng trở lên (nay quy định từ 2 triệu đồng trở lên) thì mới xử lý hình sự, còn dưới mức đó thì tham nhũng nhưng chỉ bị xử lý hành chính”, luật sư Hải nói. Theo luật sư này, một dấu hiệu rất rõ nữa để khẳng định đây là tham nhũng vì gắn với chức vụ quyền hạn, bởi “nếu anh chỉ là dân thường, anh không có chức vụ quyền hành gì thì ai đưa tiền cho anh?”

Nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết, cũng khẳng định, cầm của dân không phải năm bảy chục mà dù chỉ một đồng thôi cũng đã là tham nhũng. Theo GS Thuyết, nếu nhận thức không đúng về hành vi này sẽ dẫn đến cách xử lý không đúng, và nguy hại hơn, đó có thể trở thành “chỗ dựa” cho tham nhũng càng phát triển.

Trung Đức


Ngày 26-11-2012
Thành viên đăng

peheo9x
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Xã Hội » Nhận dăm ba chục ngàn đồng cũng là tham nhũng
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: