Thứ 6, 29-03-2024, 4:10 AM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin du lịch » Giới thiệu vùng miền » Chè bắp
Chè bắp
cucquyDate: Thứ 7, 01-12-2012, 10:57 PM | Message # 1
Thành viên trung niên
Nhóm: Thành viên
Số bài viết: 4900
Điểm: 0
Trạng thái: Không lên mạng
Chè bắp
Thanh Niên Online

Những buổi trưa thời tiết oi nồng, cơm không muốn ăn, nghe tới món gì cũng than “ăn không vô” do nóng bức. Nhưng rồi mắt chợt sáng lên khi ai đó nhắc, hay là kiếm ít trái bắp khô, nấu nồi chè? Mới nghe thôi mà như hít hà được mùi hương dìu dịu mát lành.

Chén chè hồi nhỏ ở quê, mấy chục năm rồi kéo dài theo trí nhớ. Một thời, tâm trí trong trẻo tựa những vệt mưa đầu mùa sau chuỗi ngày nắng gắt, thường chạy lót tót theo chân ba mẹ trỉa bắp rẫy nhà. Hồi đó không phải quanh năm có bắp như bây giờ. Mỗi năm có mấy tháng mưa để trồng trỉa, để lặn lội trong đất xốp bùn và tắm mưa thỏa thích.

Chè bắp
Ảnh: Tiểu Kiên

Ngày thu hoạch bắp là ngày bọn trẻ chúng tôi trông ngóng nhất. Chẳng gì thì từ hột bắp non, bữa cơm gia đình đã có được nồi canh bắp; bắp vừa cứng hột thì ôi thôi chế biến được vô số món: bắp luộc, bắp nướng, cơm bắp, bánh bắp, chả bắp...; rồi khi bắp khô hột thì đó là thời điểm của món chè.

Hồi nhỏ đứa nào cũng háu ăn, khi mẹ tôi đếm đầu người trong nhà và nhẩm tính nồi chè hôm nay chỉ cần mười trái bắp thôi, thì anh em tôi lại nài nỉ mẹ mài thêm vài ba trái nữa. Bàn mài bắp cũng ngộ, đơn giản chỉ là một vỏ lon sữa bò được ba tôi duỗi thẳng rồi dùng cái búa với cây đinh đục từng lỗ nhỏ đều đặn, sau đó ngâm nước sôi và rửa thật sạch. Mẹ tôi dùng bàn mài đó, cẩn thận mài từng trái bắp từ ngoài vào trong, đến hết lớp bột khô ráo, chạm phải lớp ướt thì dừng. Lớp ướt đó sẽ được xát tiếp bằng dao hai lưỡi, xát tới khi đụng phải cùi bắp thì bỏ cùi đi. Lần lượt từng trái đều làm như vậy. Bột bắp mài đựng trong một thau riêng; lớp bắp xát đựng trong một thau riêng.

Trong lúc mẹ bận rộn với bắp, ba tôi kiếm một cái sào dài, khèo trái dừa khô trên cây xuống. Trái dừa nhanh chóng được lột vỏ sạch sẽ trơn tru. Nạo cơm dừa vắt nước cốt để riêng, phần nước “dão” - là phần nhồi xác dừa với nước trong và lược bỏ xác - cho vào nồi bắc lên bếp chuẩn bị nấu chè. Mấy anh em tôi được mẹ phân công làm việc lặt vặt, vừa mới rửa sạch một chén nhỏ bột bán, đem trút vào nồi nấu chung.

Khi nước sôi, mẹ cho phần bắp xát vô nồi trước. Đợi bắp xát chín thì cho tiếp bột bắp vào. Bột bắp phải rải từ từ và khuấy thật đều tay. Cũng luôn tay khuấy như vậy, khoảng thời gian đó mẹ cho đường vào nồi, nêm vừa đủ ngọt. Đợi chè chín, chan vào thêm nước cốt dừa, để lửa liu riu cho nước cốt “bắt” thật đều vào bắp...

Hồi ức đem lại một nỗi nhớ quay quắt về những ngày mưa ở quê nhà, trong chái bếp đơn sơ. Nhớ để nhận ra, bây giờ không còn phải trông ngóng trời mưa mỗi khi muốn có bắp nấu chè. Hết mùa mưa thì người ta làm bắp tưới, muốn ăn lúc nào cũng có. Ừ thì, chè bắp làm mát dịu tâm tính trong tiết trời oi ả, nên ở thành phố chúng tôi thỉnh thoảng cũng dành thời gian nấu. Mùi thơm nồng đượm, ngọt ngào tỏa đầy gian bếp. Ấy là mùi thơm ao ước tìm lại được một thời nhỏ dại, anh em tôi theo ba mẹ dầm mưa, sục chân trong những vồng đất xốp, trỉa bắp rẫy nhà...

Tiểu Kiên


Ngày 01-12-2012
Thành viên đăng

cucquy
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin du lịch » Giới thiệu vùng miền » Chè bắp
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: