Thứ 7, 27-04-2024, 12:42 PM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Gia đình - cuộc sống » Vợ cúng bái cầu cho bố tôi chóng chết
Vợ cúng bái cầu cho bố tôi chóng chết
cucquyDate: Thứ 4, 28-11-2012, 9:15 PM | Message # 1
Thành viên trung niên
Nhóm: Thành viên
Số bài viết: 4900
Điểm: 0
Trạng thái: Không lên mạng
Vợ cúng bái cầu cho bố tôi chóng chết
28.11.2012 14:19

Vợ tôi ngã dúi dụi xuống sàn, nước mắt lã chã rơi. Sống với nhau đã ngót 20 năm, lần đầu tiên tôi tát vợ, cái tội không thể tha thứ được - dám mời thầy cúng về nhà làm lễ mong cho bố tôi chết sớm!
Bố tôi bị tai biến đã 9 năm. 9 năm ấy, một tay vợ tôi coi sóc chăm nom, cơm nước thuốc thang (tôi còn có một em gái nhưng lấy chồng xa nên chẳng chia sẻ được). 9 năm với một người già nằm liệt mà phòng bố tôi không có một chút mùi, người bố tôi chưa có một vết loét.

Tôi mang ơn vợ vì điều ấy. Trong thâm tâm, tôi luôn tôn thờ vợ như thánh. Thậm chí có lúc tôi nghĩ, kiếp sau có duyên gặp nhau, dù tôi có làm trâu bò cho cô ấy, thì so với sự tận tụy chăm sóc cô ấy dành cho bố tôi để tôi yên tâm hết mình với công việc cũng chưa đủ trả ơn.

Thế mà một tuần trước, vừa đến cơ quan ngồi chưa ấm chỗ, tôi nhận được điện thoại của con gái, giọng thì thào bí ẩn: “Bố ơi, bố về mà xem, mẹ mời một ông thầy cúng đến nhảy múa. Mà con thấy cả hình nhân có dán mặt ông nội nữa, nhìn ghê lắm”. Tôi đã phi vội về nhà nhưng không nghĩ nổi là vợ tôi đang làm cái việc kinh khủng ấy.

Đập vào mắt tôi là cảnh tượng: một hình nhân to như người thật, mặt dán ảnh chân dung bố tôi đang nằm giữa nhà. Cạnh đó là vợ tôi quỳ gối, mắt nhắm chặt, miệng lẩm bẩm cái gì tôi không rõ, tay chắp lại vái lia vái lịa. Và ông thầy cúng đang nhảy múa vòng quanh hình nhân, khua khua cây phất trần, miệng kêu rõ rành rành “mạnh khoẻ sống lâu, ốm đau xin đi sớm...”

Tôi hiểu ngay việc vợ mình đang làm, cho vợ một cái tát trời giáng, dắt cổ ông thầy đuổi ra khỏi nhà và dẹp sạch cái màn cúng bái đang tiến hành. Từ chỗ coi vợ như một vị thánh, tôi chuyển sang nhìn cô ấy bằng đôi mắt coi thường, giận dữ, có chút hận thù. Hóa ra, đấy là tất cả tình cảm mà vợ tôi dành cho bố chồng. Hóa ra, ngày ngày chăm bố cũng chỉ là giả tạo. Tôi chẳng dám chắc, những lúc lễ lạt ở ngoài, đã bao nhiêu lần cô ấy xin cho bố tôi chết sớm, để khỏi phiền.

Vợ tôi hôm ấy im lặng dọn dẹp rồi đi về phòng. Tôi đang sôi sục lắm nhưng việc cơ quan dang dở nên vẫn phải quay lại. Trước khi đi, tôi gằn giọng bảo vợ: “Tối tôi về sẽ nói chuyện với cô sau!”. Ai dè, buổi tối vợ tôi chẳng còn ở nhà nữa. Cô ấy viết thư, bảo đi một tuần, dặn tôi xin nghỉ phép mà chăm bố. Trong lá thư để lại, có lẽ là lần đầu tiên sau 9 năm chăm bố, cô ấy nói với tôi những điều mà tôi chưa bao giờ để ý.

Cô ấy viết: "Chín năm em chăm bố, chưa bao giờ kêu ca, nề hà thì thêm một đôi năm nữa cũng chẳng khó khăn gì hơn. Anh thì chỉ có mấy việc: sáng bế bố ra ngoài phơi nắng một chút, chiều bế bố dậy tắm rửa nên có lẽ anh không biết hết những áp lực mà em đang mang. Không anh em hỗ trợ, chồng lắm việc, con nhỏ bận học hành, có lúc em cũng kiệt sức, có lúc ốm mệt muốn nghỉ một ngày thôi mà không được nghỉ.

9 năm nay, nhà mình như một cái bệnh viện lúc nào cũng u ám, nhìn ai cũng mệt mỏi không còn sức sống. 9 năm nay, em chưa một lần đi du lịch hay tham gia hoạt động gì của nhà trường, làm giáo viên mà đi dạy cũng dối dá, suốt ngày đổi tiết đổi giờ để về nhà.

9 năm, không biết một lần hội họp bạn bè, ngày Tết cũng chẳng dám cười to, thậm chí không dám cả tổ chức một cái sinh nhật cho con khi ông bệnh nằm đấy. 9 năm nay, hai đứa con của mình không dám mời bạn về nhà chơi... Em và các con cũng có cuộc đời riêng của mình, vậy mà 9 năm nay, nó như chẳng hề tồn tại”.

Vợ tôi còn viết rất nhiều, rằng những lúc tôi vắng nhà, những khi thân yếu nâng đỡ bố chồng; những đêm sợ đến run người không ngủ được vì bố lẫn cứ ơ hờ gọi tên các bà các cụ đã mất trong họ... Rồi cứ có người vào thăm là bố khóc hu hu, nhưng thấy cháu là chửi khiến bọn trẻ cũng rúm ró, chẳng đứa nào dám thức đến 10 giờ mà học bài...

Cô ấy bảo, giờ bố tôi đã yếu quá rồi, cơ thể bố đã có những dấu hiệu lở loét, tinh thần ngày càng lú lẫn nặng hơn. Ngày xưa có nhu cầu ăn uống vệ sinh bố còn biết bảo, giờ thì chẳng tự chủ được gì nữa. Cô ấy bảo bố tôi sống bệnh tật vạ vật là cái tội đời bố phải gánh chứ nào sung sướng gì, cô ấy nghĩ thế nên mới cầu cúng, để nếu bố tôi sống thì khỏe mạnh hơn; còn ốm yếu quá thì trời cho đi nhẹ nhàng. Cô ấy thanh minh cho việc làm của mình!

Một tuần nay, lần đầu tiên không có vợ đỡ đần chuyện chăm bố, tôi mới thực sự ngấm những điều cô ấy nói. Bố tôi nằm đó quá lâu, đúng là cuộc sống gia đình tôi chẳng giống bất cứ gia đình nào xung quanh. Trong nhà không có tiếng cười đùa vui vẻ, rộn rã; hiếm hoi khách khứa; hai đứa con tôi cũng không nhí nhảnh như chúng bạn cùng lứa, về đến nhà là chúng nó về phòng, cũng im lặng không kém căn nhà... Và chính tôi cũng có phần mệt mỏi khi phải một mình chăm bố.

Tôi nghĩ về vợ tôi, nghĩ về hai từ phụng dưỡng, nghĩ đến những người già đổ bệnh nằm hàng chục năm dài như bố và tự hỏi: Có bao nhiêu gia đình có hoàn cảnh cha già mẹ yếu nằm liệt như nhà tôi, và một ngày kia, những đứa con đang ngoan hiền, hiếu thảo, tận tụy chăm bẵm bỗng trở thành kẻ bạc đãi, bất hiếu?

Liệu có nên tha thứ, thông cảm cho hành động của vợ tôi hay kiên quyết bắt cô ấy hiểu rằng, cầu cho cha mẹ mình chết đi là một việc làm bất hiếu? Có phải tôi đã quá vô tâm khi không nhận ra sự khác biệt của gia đình mình vì có bố nằm đó, hay lẽ đương nhiên là con đẻ nên tôi không thấy những vấn đề nảy sinh kéo theo ấy bất thường?

Kiến Thức


Ngày 28-11-2012
Thành viên đăng

cucquy


Tin được sửa đổi bởi cucquy - Thứ 4, 28-11-2012, 9:15 PM
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » Gia đình - cuộc sống » Vợ cúng bái cầu cho bố tôi chóng chết
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: