Thứ 7, 11-05-2024, 3:19 PM
[ Tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » An ninh hình sự » Chuyện của phạm nhân mong thời tiết đẹp
Chuyện của phạm nhân mong thời tiết đẹp
peheo9xDate: Thứ 3, 27-11-2012, 9:57 PM | Message # 1
Thành viên trẻ
Nhóm: Đã xác nhận là Thành viên
Số bài viết: 2055
Điểm: 2
Trạng thái: Không lên mạng
Chuyện của phạm nhân mong thời tiết đẹp
27.11.2012 06:42

Chưa một ngày nào, kể từ lúc đặt chân vào trại giam, Hạnh bỏ lọt bản tin thời tiết để rồi vui, buồn thậm chí là khóc ngay sau đó.
Lý do khiến Vi Văn Hạnh, sinh năm 1980, phạm nhân ở trại giam Quảng Ninh không bỏ sót một tin thời tiết nào, đơn giản bởi vợ anh ta làm nghề đào sá sùng ngoài biển. Thời tiết đẹp thì đào được nhiều còn hôm nào mưa gió, biển động, không đào được sá sùng thì cả nhà sẽ treo niêu.

Liều mình đi chở pháo thuê

Hạnh sinh ra trong một gia đình nghèo, bên dưới còn 3 em nữa. Bố từng một đời vợ nhưng do không sinh nở được nên người vợ này đã đi tìm vợ khác cho chồng và đó là lý do để mẹ Hạnh trở thành người thứ ba trong cuộc hôn nhân này. Bốn đứa con lần lượt chào đời, đối nghịch với gia sản ngày càng khánh kiệt do làm ăn thua lỗ, thất bát.

Trước khi về Móng Cái, Quảng Ninh, gia đình Hạnh ở Đông Anh, với nghề buôn bán cát sỏi. Năm 1986, lũ lụt đã khiến gia đình Hạnh rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất phải về quê sinh sống nhưng chỉ được vài năm thì bố Hạnh và mẹ cả rủ nhau về bên kia thế giới, để lại gánh nặng cơm áo, gạo tiền và nuôi dạy đàn con cho mẹ Hạnh.


Phạm nhân Vi Văn Hạnh

Học hết lớp 5, Hạnh nghỉ ở nhà phụ việc cho mẹ. Nhà không có ruộng, mọi chi tiêu trông cả vào gánh hàng khô ngồi chợ của mẹ nên cuộc sống của mấy mẹ con Hạnh quanh năm túng thiếu. Hạnh khi đó còn nhỏ tuổi, chỉ biết giúp mẹ bằng việc sáng sáng ra biển đào sá sùng (giun biển) đem về bán. Năm 18 tuổi, Hạnh xin được chân phụ xe khách, thu nhập ổn định nhưng cuộc sống của mấy mẹ con vẫn chưa thoát cảnh đứt bữa những khi giáp hạt.

Năm 2001, Hạnh lấy vợ, một người con gái cùng cảnh nghèo ở cùng xã. Cùng năm đó, em trai Hạnh cũng yên bề gia thất rồi lần lượt 2 cô em gái đi lấy chồng khiến cho kinh tế gia đình càng rơi vào khó khăn. Vợ Hạnh và em dâu đều chung cảnh không việc làm, thu nhập thất thường do chỉ biết làm nghề đào sá sùng ngoài biển. Em trai Hạnh thì mãi không xin được việc làm, đành phải ở nhà làm chân bảo mẫu bất đắc dĩ, vừa trông con, trông cháu và nấu nướng.

Năm 2008, thấy nhiều người vận chuyển pháo lậu về xuôi, gửi hàng trên xe mình đều trót lọt, Hạnh tính chuyện làm liều. Anh ta rủ em trai đi chở pháo thuê, kiếm tiền tiêu tết.

Theo lời kể của Hạnh, tối tối anh ta lại cùng em trai mang xe máy tới điểm hẹn để chở hàng, mỗi chuyến từ Móng Cái về Cẩm Phả sẽ nhận tiền công là 300.000 đồng. Đi cùng anh em Hạnh là một nhóm người với các nhiệm vụ cảnh giới, vận chuyển, dẫn đường. Là phụ xe khách, biết nhiều ngõ ngách nên Hạnh là người dẫn đường còn em trai và những người còn lại làm nhiệm vụ chở hàng. Họ di chuyển với sự yểm trợ của những chiếc bộ đàm mua từ nước ngoài.

Đêm 25.10.2008, khi Hạnh đang dẫn đoàn xe chở pháo lậu đi tới khu vực tổ 8 phường Mông Dương, thị xã Cẩm Phả thì lọt vào vòng ngắm của lực lượng Công an thị xã Cẩm Phả. Toàn bộ đường dây vận chuyển pháo lậu bị bắt và với 170kg pháo bị bắt quả tang, Hạnh bị kết án 8 năm tù giam. Em trai Hạnh do trực tiếp chở hàng nên bị phạt nặng hơn Ngày thi hành án, hai anh em Hạnh may mắn được về cùng trại giam Quảng Ninh, cải tạo nhưng mỗi người một phân trại nên chẳng mấy khi được nhìn thấy nhau.

Mong lắm ngày về

“Ngày bị bắt, em dâu mới sinh con nên cứ nghĩ tới em trai là em ân hận lắm. Giá như chỉ mình em tham gia thì giờ này mẹ em vẫn có thằng con trai ở nhà để sai bảo, nhà cửa cũng đỡ chống chếnh”, Hạnh tâm sự.

Được cải tạo ở gần nhà nhưng cũng phải mấy tháng, Hạnh và em trai mới có người lên thăm nuôi. Mỗi khi gặp vợ, nhìn dáng người khô quắt, đen sạm của vợ, Hạnh không kìm được nước mắt. Hạnh bảo ân hận lắm nhưng chẳng biết làm thế nào để đỡ đần vợ con, chỉ biết động viên vợ cố gắng và thông cảm cho mình.

Hỏi về em trai, Hạnh trầm ngâm: “Em làm vệ sinh trại ở ngay khu trung tâm, tiện đường đi lại còn Dũng cải tạo ở khu trại vải, tít trong núi, cách trung tâm gần 100 cây số nên mang tiếng là cùng trại nhưng chả khi nào anh em được gặp nhau”.

Thương em tính tình yếu đuối lại phải lao động nặng nhọc, ở xa nên Hạnh rất hay viết thư vào cho em. Người thân vài tháng mới lên thăm một lần nhưng Hạnh rất ít khi ra gặp, thường nhường hết cho em trai.

“Nhiều lúc được thông báo có người nhà thăm, em đều không nhận, nhường cho em trai để còn biết tin tức về nó”, Hạnh nói, đôi mắt lấp lánh lộ vẻ láu cá. Theo lời anh ta thì dẫu Hạnh có ra gặp thì người nhà cũng chỉ biết được mỗi mình Hạnh còn nếu em trai lên gặp thì thế nào anh ta cũng được nhìn thấy em, cho dù chỉ là thấp thoáng sau cửa kính trong lúc quét sân hay làm vệ sinh khu đón tiếp nhưng như thế cũng là quý lắm rồi.

Nhà không có ruộng, cuộc sống trông chờ vào sự may mắn nếu ngòai biển sóng yên và thúng hàng khô của mẹ nên thu nhập của cả nhà Hạnh luôn ở tình trạng bấp bênh, có bữa nay mà chưa chắc bữa mai. Mặc dù sống trong cảnh thiếu thốn song họ vẫn cố dành dụm để vài tháng lại vào trại thăm nuôi anh em Hạnh. Từng bươn chải kiếm tiền, Hạnh thừa hiểu công việc của vợ và em dâu nhọc nhằn thế nào nên càng day dứt.

Hạnh bảo hôm nào nghe dự báo thời tiết thông báo biển động là đoán chắc ngày đó vợ thất nghiệp ở nhà còn hôm nào mưa to cũng đồng nghĩa với việc mẹ không thể gánh hàng đi chợ. Dù biển động hay mưa to thì cả nhà Hạnh chỉ một nửa số người là có việc, thế nên chiều nào cũng vậy, dù có mệt mỏi hay bận gì chăng nữa, anh ta cũng cố gắng xem tivi rất sớm, để nghe thời tiết và ước ngày nào cũng nắng ráo, đẹp trời.

“Ngày bị bắt, em chỉ nghĩ mình bị phạt tiền rồi tha nhưng đến lúc bị đưa ra tòa, bị kết án tù, em sốc thực sự, lắm lúc cứ nghĩ hay là mình mơ”, Hạnh nhớ lại. Với suy nghĩ hạn chế, Hạnh cứ nghĩ việc vận chuyển pháo lậu của mình, nếu bị bắt cùng lắm là hàng bị tịch thu, bị phạt tiền chứ không đến nỗi phải đi tù.

“Cũng may là từ ngày vào đây, em được quản giáo phân tích, động viên nên vỡ lẽ ra nhiều điều. Ở trong này em được học một số kiến thức về luật pháp rồi nghe các phạm nhân cùng buồng truyền đạt cho nên cũng hiểu ra nhiều, không bi quan như trước”, Hạnh kể. Hạnh bảo từ ngày được cán bộ giáo dục giảng giải, động viên, anh ta đã yên tâm cải tạo hơn trước, không còn nóng lòng mỗi khi nghe thông báo thời tiết xấu nữa.

“Còn 4 năm nữa em mới hết hạn tù, em đang cố gắng cải tạo thật tốt để có tên trong danh sách đặc xá, tha tù trước thời hạn”, Hạnh tâm sự. Anh ta đang cố gắng để ngày trở về được gần hơn vì sợ mẹ già tuổi cao không chờ được ngày đoàn tụ. “Con em 5 tuổi rồi, sắp sửa cắp sách tới trường rồi, mình phải sớm về lo cho nó, không để nó thiệt thòi như cha mẹ”, anh ta bộc bạch.


Ngày 27-11-2012
Thành viên đăng

peheo9x
 
Diễn đàn tin tức hàng ngày » Thông tin trong ngày » An ninh hình sự » Chuyện của phạm nhân mong thời tiết đẹp
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: